Thương hiệu làng Then

Dàn nhạc làng Then biểu diễn ở Vietnam’s Got Talent Ảnh: Tr.T
Dàn nhạc làng Then biểu diễn ở Vietnam’s Got Talent Ảnh: Tr.T
TP - Một ngày cuối tháng 3 nhiều người dân Phước Bình- Quận 9- TP HCM khá ngỡ ngàng khi thấy một đoàn người tay xách nách mang nhạc cụ đi vào ký túc xá trường dạy nghề Lê Thị Riêng. Tuy tay xách nhạc cụ nhưng cách ăn mặc của họ lại tuềnh toàng, đơn giản.

> Quyền lực 'giấu mặt' ở Việt Nam’s Got Talent

Họ chính là những người chơi đàn đến từ làng Then- xã Thái Đào- huyện Lạng Giang- Bắc Giang và đến đây để dự thi tìm kiếm tài năng Vietnam’s Got Talent.

“Chả phải chúng tôi có tài năng gì đâu- Ông Nguyễn Quang Khoa- trưởng nhóm đàn làng Then cho biết- Chúng tôi chỉ đi thi với mong muốn giới thiệu tên tuổi và nét đẹp truyến thống của làng thôi”.

Trong những người nông dân lam lũ chơi đàn này, ông Khoa là người có dáng vẻ… cán bộ nhất bởi luôn nói năng đĩnh đạc, lại có uy phong của người chỉ huy. Ông cũng thừa nhận chức to nhất của đời ông là tham gia HĐND xã, vì có kinh nghiệm đàn nên được mọi người cử làm nhóm trưởng đợt này.

Chuyện làng Then chơi đàn thì ông Khoa còn nhớ rất rõ, ấy là vào những năm 1956- 1957, một người làng Then đi làm xung kích trên tỉnh đã đề nghị xin về một người dạy dàn để dạy cho trẻ em hát.

Người được cử về là ông Nguyễn Hữu Bài cùng với một cây đàn mandolin. Thế là ngày làm việc ngoài đồng, tối về thầy dạy trò học nhạc song song với lớp dạy bình dân học vụ.

Các ca khúc để tập đâu có nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ Sông Lô, Du kích sông Thao… Chỉ thế thôi nhưng làng Then đã có được hẳn một đội văn nghệ và tham gia khá nhiều đợt xung kích phục vụ nhân dân.

Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc thì đội văn nghệ tan rã, những người nông dân tay cuốc tay đàn giờ ôm súng, lên đường ra trận.

Trong số họ, đã có nhiều người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, có những người thì trở về không lành lặn. Những người trở về vẫn da diết với tiếng đàn.

Chính vì thế, năm 1973, khi ông Nguyễn Hữu Đưa- Cũng là một người trong làng nhờ biết đàn đã được đi học nhạc viện trở về công tác tại đoàn văn công tỉnh Hà Bắc.

Cứ cuối tuần, ông Đưa lại về làng dạy đàn cho mấy đứa con. Thấy thế những ngưới trẻ trong làng cũng xin được học ké. Và phong trào đàn làng Then đã bắt đầu trở lại.

Cho đến giờ nhiều người làng Then vẫn nhớ thời đỉnh cao của phong trào đàn của làng ngày đó. Năm 1975, lần đầu tiên tiếng đàn làng Then đã được chính thức giới thiệu với công chúng khi đội đàn của làng gồm 13 tay đàn dự thi Hội diễn tỉnh Hà Bắc và đoạt Huy chương Vàng.

Niềm vui lớn hơn là sau đó cả đội được Bộ Văn Hoá mời trình diễn tại Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976.

Ông Nguyễn Văn Tựa- Một trong những thành viên của đội đàn năm đó nhớ lại: “Đó là lần đầu tiên đội chúng tôi được đi trình diễn ở Thủ đô. Có xe đưa đón, được bố trí ăn nghỉ long trọng không kém gì các đại biểu. Khi về còn được bà con đón rước như là những người có công. Vui lắm”.

Chuyến đi trình diễn tại đại hội Đảng của đội đàn trở thành niềm tự hào của làng. Và cũng từ đó phong trào học đàn trong làng phát triển mạnh mẽ, gần như nhà nào cũng có đàn, có người học.

Từ một làng bình thường như bao ngôi làng khác ở đồng bằng Bắc bộ, làng Then đã trở thành một hiện tượng khi cả làng đều chơi đàn, biết đàn, trong đó chủ yếu là đàn vỹ cầm- Một nhạc cụ được mệnh danh là Nữ Hoàng của các loại nhạc cụ.

Tuy chỉ tự học và tự chỉ dẫn cho nhau nhưng hầu hết nhạc công trong làng đều có thể tự đọc nhạc, xướng âm khá hoàn chỉnh. Bởi thế các màn trình diễn của các đội nhạc trong làng tỏ ra chuyên nghiệp…

Dù bị loại nhưng vẫn vui
Dù bị loại nhưng vẫn vui.

Có lẽ ấn tượng nhất là khi đi thi Vietnam’s Got Talent, nhóm đàn làng Then đã vượt qua 2 vòng thi để đến với vòng bán kết tại TP HCM. Đây là lần đầu tiên cả nhóm 11 người mới được đi máy bay và cũng là lần đâu tiên họ đặt chân vào Sài Gòn.

Ông Khoa khoe: “Trong nhóm chúng tôi có 6 cựu binh và cũng là 6 người đã từng vinh dự được đi trình diễn tại Đại hội Đảng ngày trước. Khi đất nước thống nhất, chúng tôi ai cũng mong sẽ được vào TP Bác một lần nhưng mãi bây giờ mới có cơ hội. Bởi thế, vừa đặt chân tới Sài Gòn, chúng tôi đã tranh thủ đi thăm Dinh Độc lập. Anh em ai cũng bảo phải như thế thì mới gọi là đã vào Sài Gòn.”

Chỉ vài ngày ở Sài Gòn để tham dự cuộc thi, nhóm đàn làng Then đã ấn tượng cho nhiều người. Luôn giữ một phong cách chỉnh chu đĩnh đạc trong cả cách sinh hoạt lẫn khi tập luyện.

Nhiều người gọi các thành viên trong nhóm bằng chú, bằng bác khi biết rằng tất cả các thành viên trong nhóm đều đã lên chức ông.

Mỗi khi các “Ông nội, ông ngoại’ tập luyện đều có rất nhiều người vào xem bởi dù đã ở trong làng giải trí chuyên nghiệp từ lâu thì rất ít khi họ được thấy một ban nhạc nào toàn lão nông tri điền như thế.

Tiết mục dự thi của nhóm với bản hoà tấu “Bóng cây k’nia” đã không đủ số phiếu vào vòng trong- mà theo một thành viên Ban giám khảo đánh giá thì “Các bác chơi chưa đạt đến trình độ hoàn hảo, phối nhạc vẫn còn những chỗ yếu”… nhưng cả nhóm đều không lấy làm buồn.

Ông Nguyễn Văn Thuật bảo: “Chú thử tính đi, hàng ngày chúng tôi phải ra đồng, chỉ tối mới ôm đàn để tập. Mình già rồi, tập cho vui thì sao dám so với lớp trẻ được luyện tập bài bản. Chơi thế là rất tốt rồi”. Và tất cả vui tưng bừng khi biết mình bị loại.

Trong những ngày ở Sài Gòn, nhóm nhạc làng Then đã khá bất ngờ khi gặp lại một người làng đã thoát ly từ lâu. Từ người này, cả nhóm đã tổ chức đi Bình Phước để gặp lại những người làng Then xa xứ.

Được dịp tiếng đàn làng Then vang lên trong những ngôi nhà của người làng Then mới ở Phương Nam. Ông Khoa bảo: “Lần đầu tiên tôi mới biết kiểu vui chơi theo phong cách trong Nam. Đàn hát rồi lại ăn nhậu, xong rồi lại đàn hát. Chúng tôi phải về sớm chứ nếu có thời gian, tôi nghĩ cuộc vui đó chắc phải kéo dài cả đêm. Những người xa quê gặp vui lắm, ai cũng bảo nhờ tiếng đàn mà giờ làng Then đã nổi tiếng khắp nơi”.

Trong những ngày vui giữa Sài Gòn, thỉnh thoảng có người lại đột nhiên sốt ruột: ‘Không biết mấy ngày nay vợ đã mở nước vào ruộng chưa?” hay là “Không về cắt sớm thì coi chừng hoa quá vụ”…

Hôm chia tay, tôi hỏi ông Khoa: “Vậy bao nhiêu năm kết với cây đàn, các bác thấy được và mất gì không?” Ông Khoa trầm ngâm: “Mất thì tôi chưa thấy, nhưng cái được thì nhiều lắm. Làng tôi rất ít tệ nạn, các gia đình có người chơi đàn đa số con cái đều trưởng thành, có công việc ổn định.

Đời sống trong làng tuy chưa giàu so với nhiều nơi nhưng cũng có thể gọi là tương đối khá giả.” Và ông Khoa mong muốn mời mọi người tới làng Then một lần để cùng chiêm nghiệm lời nói của ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG