Thiên Thanh (ĐH Sài Gòn) là một chủ cửa hàng quần áo tại Sài Gòn Square, do gia đình khá giả nên cô bạn thường bay sang Thái lấy hàng quần áo về bán với tần suất 1 tháng 2 lần. Mỗi chuyến lấy hàng ngốn của Thanh từ 3 đến 5 ngày vắng lớp.
Đình Toàn (ĐH Công nghiệp TP.HCM) lại là một trường hợp khác, do nhà ở sát khu vực chợ miễn thuế Mộc Bài, Tây Ninh nên Toàn thường xuyên vắng lớp lấy hàng gửi về Sài Gòn.
Lý giải cho việc chọn kinh doanh kiểu này cô bạn Thiên Thanh chia sẻ: “Tuy tiền chi phí cho mỗi lần đi khá tốn kém nhưng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á lại có nhiều nguồn hàng giá rẻ vô cùng. Nên khi mang hàng về bán số lời thu được là rất cao”.
Ngoài cái lợi là được luyện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếp thu thêm kinh nghiệm kinh doanh thì đi buôn hàng xuyên biên giới các bạn sinh viên phải chấp nhận bỏ học, thậm chí còn bỏ dài ngày.
Mạnh Khang (ĐH Công nghệ Thông tin) sau nhiều năm đi buôn linh kiện điện tử thì vẫn chưa ra trường và phải đóng tiền học lại nhiều môn.
“Việc đi buôn luôn đòi hỏi phải chạy đi thường xuyên nên có những buổi kiểm tra phải vắng mặt nên phải chấp nhận đóng tiền học lại”. Mạnh Khang chia sẻ.
Cô bạn Thùy Anh (ĐH Sư phạm TP.HCM) sau khi thất bại trong một chuyến buôn mỹ phẩm, do mua nhầm hàng giả cô bạn đã bị cạn kiệt vốn và còn bị nợ nần. Đã ra trường, nhưng Anh vẫn loay hoay trong việc tìm cho mình một chỗ làm.
Câu chuyện đằng sau biên giới
“Đi ra nước ngoài lấy hàng không có khá nhiều cạm bẫy đang chờ những người thiếu kinh nghiệm. Khi sang đó với mục đích lấy hàng nên các bạn sẽ mang theo khoản tiền mặt khá lớn. Việc này khiến các bạn dễ dàng trở thành miếng mồi ngon của các kẻ trộm cướp. Khu chợ trời ở Thái là nơi quá quen thuộc với các bạn trẻ đi buôn”, Đinh Toàn (ĐH Tiền Giang) chia sẻ.
Con đường đi buôn đôi khi có thể khiến các “thương gia” sinh viên sa ngã. Các sòng bài ở dọc biên giới là một ví dụ điển hình. Có không ít “thương gia” sinh viên đến đây đánh bạc, vì do tiện đường đi “buôn” nên ghé vào.
Minh Hoàng (ĐH Tiền Giang) từng bị bắt tại sòng bạc và bị báo cáo về trường, lập tức anh bạn có một phết điểm xấu trong lý lịch và điểm hạnh kiểm cũng chỉ còn loại yếu.
Khu vực bạn đi buôn có thể rất phức tạp vì có nhiều tệ nạn hoạt động mạnh. Đinh Toàn (ĐH Tiền Giang) kể trên, từng đi buôn ra biên giới bằng xe tốc hành. Toàn cho biết có khi bạn còn ngồi chung xe với bọn buôn người hay bán ma túy, dân côn đồ nhưng vẫn phải im lặng coi như không hay biết.
Nhiều bạn trẻ cho rằng việc đi ra nước ngoài nhiều rất thú vị nhưng nó chứa đầy nguy hiểm.
Đi buôn ở xứ người các bạn trẻ sẽ chịu mọi tổn thất nếu mua phải hàng giả hay bị lừa, đôi khi chuyển hàng về Việt Nam cũng bị mất cắp hoặc lấy bớt nên các chủ buôn lâu năm luôn có địa chỉ quen kí gửi.
Con đường đi buôn xuyên biên giới gian nan vô cùng, luôn đòi hỏi các bạn trẻ phải cảnh giác không ngừng và biết cách bảo vệ chính mình thì mới mong nhận được thành công.
Theo Một thế giới