Đặc khu kinh tế: Thực trạng và khát vọng - Bài 2:

Thương cảng Vân Đồn

Phối cảnh một góc nhỏ của đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Phối cảnh một góc nhỏ của đặc khu kinh tế Vân Đồn.
TP - Về Vân Đồn thời gian này, chúng tôi mới thấy hết sự náo nhiệt của một đại công trường đang ngày đêm cật lực chế tác “viên ngọc thô”. Từng đoàn xe vận tải, từ thiết bị, máy móc, vật liệu để tập trung xây dựng các công trình trọng điểm như sân bay, đường cao tốc, các khu nghỉ dưỡng cao cấp... Tất cả đã mang hình hài của một khu đô thị sầm uất, một đặc khu kinh tế trong tương lai.

Thương cảng quốc tế đầu tiên của Đại Việt

Thương cảng Vân Đồn nổi tiếng thịnh vượng suốt 3 triều đại nhà Lý, Trần và Hậu Lê. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tên gọi Vân Đồn vẫn được nhắc đến như một địa danh còn ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển. Ước mơ, khát khao một lần nữa Vân Đồn lấy lại vị thế thịnh vượng, trở thành đầu tàu kinh tế của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung vẫn cháy bỏng khôn nguôi.

Vân Đồn là một quần đảo nằm phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích tự nhiên hơn 550km², bao gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một vòng cung ôm trọn vịnh Bái tử Long. Vịnh Bái Tử Long, nơi trong truyền thuyết cho rằng, đây chính là vùng đất mà đàn rồng con hạ giới giúp dân đánh thắng giặc ngoại xâm. Còn nơi rồng mẹ hạ giới chính là vịnh Hạ Long.

Tên Vân Ðồn có nguồn gốc từ tên núi Vân (núi có mây phủ) ở làng Vân (nay thuộc xã Quan Lạn) nằm trong tuyến đảo ngoài Vân Hải. Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên, theo sử sách, năm 980 ở đây đã có đồn Vân, trấn giữ vùng biển Đông Bắc, của quân đội nhà Tiền Lê. Sang triều Lý năm 1149 vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Ðồn, đồng thời Vân Đồn biến thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt.

Do địa hình là quần đảo chủ yếu là các đảo nhỏ, lại là núi đá vôi, nên trong toàn bộ diện tích tự nhiên chủ yếu là diện tích mặt biển. Từ xa xưa, đây đã trở thành nơi trú ngụ của tàu thuyền và lâu dần đã trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi tập trung thuyền bè các nước buôn bán và cư trú nên vấn đề quản lý an ninh chính trị được hết sức chú trọng. Công việc trấn giữ, quản lý vùng Vân Đồn và miền Đông Bắc thường được giao cho các thân vương, đại thần trọng chức.

Ngày nay, huyện đảo Vân Ðồn với một hệ thống đảo đá vôi cùng những hang động đẹp, lại nối liền với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Các xã đảo tuyến ngoài giáp vịnh Hạ Long (tuyến đảo Vân Hải) có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều hải sản ngon, khí hậu trong lành và những di tích lịch sử văn hóa nên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, Vân Đồn còn được thiên nhiên ưu đãi với những mỏ than, quặng sắt, vàng sa khoáng, cát trắng... trữ lượng lớn, rất phù hợp để phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều chuyên gia kinh tế khi đến Vân Đồn thường ví Vân Đồn như một “nàng công chúa ngủ quên trên biển”. Cần có một cú hích mạnh mẽ để đánh thức những tiềm năng Vân Đồn đang nắm giữ. Cần tạo một môi trường phát triển phù hợp để Vân Đồn có thể “cất cánh”, thăng hoa như ước vọng bao đời nay của những người con Vân Đồn nói riêng và Quảng Ninh nói chung.

Vân Đồn đang đứng trước một cơ hội rất lớn để có thể biến ước mơ thành hiện thực, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thương cảng Vân Đồn ảnh 1 Bến cảng Cái Rồng, một phần của thương cảng Vân Đồn nổi tiếng trong khu vực và thế giới.

Sẵn sàng cho một đặc khu kinh tế

Đã 10 năm, kể từ ngày ý tưởng xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đề án phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn thành Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Quảng Ninh đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để chế tác “hòn ngọc thô” trở thành hòn ngọc quý trong tương lai.

Có những giai đoạn, ý tưởng này gần như bị tắc nghẽn bởi những khó khăn từ địa phương. Nhưng với một quyết tâm đưa Vân Đồn trở thành một đặc khu kinh tế đầu tiên của miền Bắc, Quảng Ninh đã chạm được vào ước mơ khi Thủ tướng đồng ý cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đề án Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn được Quảng Ninh chuẩn bị từ năm 2012 với trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vân Đồn sẽ là khu kinh tế tổng hợp và du lịch biển đảo chất lượng cao với tổng diện tích tương đương với quốc đảo Singapore.

Hiện Quảng Ninh đang tập trung chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai, nhằm phát huy và khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch to lớn, đặc sắc của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, tạo động lực để phát triển, đồng thời chủ động khai thác lợi thế trong hợp tác phát triển dọc vành đai kinh tế ven biển Việt Nam - Trung Quốc.

Thời gian qua, Quảng Ninh đã huy động gần 40.000 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đầu tư trong nước và ngoài nước để có thể biến Vân Đồn trở thành khu kinh tế phát triển năng động, hiện đại, thành phố biển quốc tế văn minh, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp và là cửa ngõ giao thương quốc tế. Vân Đồn đang được đầu tư hạ tầng cơ sở một cách hiện đại, hệ thống và đồng bộ.

“Chúng tôi mong mỏi ngày Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế đã từ lâu lắm rồi. Từ ngày có chủ trương, dân chúng tôi luôn ủng hộ nên việc giải phóng mặt bằng có liên quan đến đất đai được xử lý rất nhanh chóng. Sự thay đổi này quả thực rất lớn và chúng tôi vẫn chưa hình dung hết được khi là cư dân của một đặc khu kinh tế nó sẽ như thế nào?” - Ông Hoàng Hữu Thái, cư dân thôn Đông Thành, Xã Đông Xá, huyện Vân Đồn nói.

Quảng Ninh đang đảm bảo mô hình đặc khu kinh tế này phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất. Khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến và nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng.

“Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc – ASEAN” – Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Có thể thấy, những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng Vân Đồn trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước đang có những bước tiến triển vững chắc. Kỳ vọng về một thương hiệu kinh tế Vân Đồn sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, Vân Đồn sẽ cất cánh bay lên trở thành vùng kinh tế phát triển, năng động mang tầm quốc tế, một khi nó được chắp đôi cánh thể chế, cơ chế thực sự khác biệt và nổi trội, xứng tầm đặc khu kinh tế của cả nước.

“Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo trong huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung vào các công trình động lực tạo nền tảng cho sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn”.

 Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh đang đảm bảo mô hình đặc khu kinh tế này phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất. Khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến và nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng.

MỚI - NÓNG