Thuốc trị tiểu đường có thể gây suy tim

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Saxagliptin và alogliptin thuộc nhóm thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4), được sử dụng cùng chế độ ăn uống và tập thể dục để làm giảm lượng đường trong máu ở người trưởng thành mắc tiểu đường typ 2.

Tuy nhiên mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã có cảnh báo về nguy cơ gây suy tim, đặc biệt ở những người đang có bệnh tim hoặc bệnh thận khi sử dụng thuốc này và sẽ được cập nhật vào nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng. Cảnh báo trên được đưa ra dựa trên hai thử nghiệm lâm sàng lớn ở những người bệnh mắc bệnh tim. Hai thử nghiệm này đều cho thấy, số người bệnh dùng saxagliptin và alogliptin cần nhập viện điều trị suy tim nhiều hơn so với các bệnh nhân được điều trị thụ động bằng giả dược. Trong thử nghiệm với saxaglitin, tỷ lệ bệnh nhân cần nhập viện để điều trị suy tim ở nhóm sử dụng saxaglitin là 3,5% so với ở nhóm sử dụng giả dược là 2,8%. Trong thử nghiệm với alogliptin, tỷ lệ này lần lượt là 3,9% và 3,3%. Yếu tố nguy cơ trong các trường hợp này bao gồm bệnh nhân có tiền sử suy tim hoặc bệnh thận.

Từ kết quả này, FDA khuyến cáo các chuyên gia y tế nên xem xét ngừng thuốc có chứa saxagliptin và alogliptin ở những bệnh nhân bị suy tim đồng thời phải theo dõi và kiểm soát bệnh tiểu đường của họ. Nếu đường huyết của bệnh nhân không được kiểm soát tốt với điều trị hiện tại, có thể thay đổi thuốc trị tiểu đường khác. Bên cạnh đó, những bệnh nhân đang dùng hai loại thuốc này nên liên hệ với bác sĩ điều trị ngay nếu thấy các dấu hiệu của suy tim như hụt hơi bất thường trong các hoạt động hàng ngày; khó thở khi nằm xuống; kiệt sức, yếu, hay mệt mỏi; tăng cân với sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng tay. FDA khuyến cáo người bệnh không nên tự ý dừng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG