Ngôi chùa lớn và cổ nhất Thủ đô Bangkok, Wat Pho hay còn gọi là Chùa Đức Phật Ngồi Tựa Lưng vì có tượng Phật dài 46 mét, cao 15 mét, bọc vàng. Trên diện tích 8 ha, gần với Hoàng cung, Wat Pho còn nổi tiếng là nơi khai sinh ra massage Thái vì thuở xa xưa nơi đây là trung tâm giáo dục y khoa cổ truyền Thái Lan.
PV Tiền Phong được chứng kiến một không gian ấm cúng và trang nghiêm nơi đây. Những cánh cửa khảm ngọc, hàng loạt phong cảnh chạm khắc trên sa thạch dẫn tới khu vực trăm tháp thờ hình tròn và bảo tàng kinh thư cổ với 349 tượng Phật mạ vàng ngồi xếp lớp uy nghi. Trên nhiều bức tường có ghi những bài thuốc chữa bệnh nổi tiếng với quan niệm, y học cổ truyền không có gì bí mật mà là tài sản chung của mọi người.
Nhưng có rất nhiều thùng để quyên tiền của du khách, to nhỏ muôn hình vạn trạng đặt khắp nơi. Ở điện thờ pho tượng Phật nhập Niết bàn khổng lồ kể trên, hai lòng bàn chân cao 5,5 mét có hoa văn khảm ngọc mô tả 108 tướng của Phật Thích Ca Mâu Ni, bên cạnh là dãy dài 108 âu đựng tiền đặt trên giá thép không gỉ.
Mới vào, thấy quá nhiều thùng quyên tiền thì rất lạ nhưng đi một hồi lại thấy tiện lợi, hễ động lòng thiện nguyện là có ngay nơi để gửi vào. Không gian tâm linh chỉ du khách đối diện với lòng mình, không có bóng dáng ban tổ chức chèo kéo dạy đời chen lẫn hăm doạ kiểu “làm công đức để phúc lộc cho con cháu” như ở đâu đó.
Tại đây, du khách đổi 20 bạt (gần 14.000 đồng Việt Nam) được một hộp tiền xu, bỏ vào 108 âu còn thừa để bỏ vào nhiều thùng khác nữa. Hành vi cúng dường thành tâm vui vẻ, vừa chầm chậm bước trong không gian trầm mặc huyền ảo vừa suy tư về những điều tốt đẹp ở đời, chứ không vất vả đổi tiền lẻ và tranh nhau rải ra như ở Việt Nam.
Ở khu chợ nổi xưa trong Kinh đô cổ Thái Lan, Ayutthaya, giống như một bảo tàng với ngôi nhà gỗ hơn 2.000 năm và chùa, vườn cây, bến tàu cũng có rất nhiều thùng đựng tiền. Nhưng vui hơn ở Wat Pho, đầu các dãy thùng quyên tiền ở đây thường có người máy được lập trình vái lạy kèm loa phát ra lời mời cúng dường nói rõ, để giúp việc lo điện nước, quản lý di tích. Người máy nơi thì cô gái xinh đẹp, nơi trẻ con ngộ nghĩnh, thậm chí một người máy có cái đầu lâu nhe nanh.
Trong ngôi chùa nhỏ, nơi phật tử quỳ lạy, hai bên là hai dãy hơn hai chục thùng quyên tiền, còn rải rác trước sau; bên cầu thang gỗ xuống bến tàu cũng có dãy thùng quyên tiền.
Thùng quyên tiền với tượng trẻ con ngộ nghĩnh. ẢNH: SÁU NGHỆ
Mới vào, thấy quá nhiều thùng quyên tiền thì rất lạ nhưng đi một hồi lại thấy tiện lợi, hễ động lòng thiện nguyện là có ngay nơi để gửi vào. Không gian tâm linh chỉ du khách đối diện với lòng mình, không có bóng dáng ban tổ chức chèo kéo dạy đời chen lẫn hăm dọa kiểu “làm công đức để phúc lộc cho con cháu” như ở đâu đó.
Những cái thùng đựng tiền có nhuốm màu trần tục nhưng niềm tin thì vẫn trong trẻo thoát tục. Lòng thiện nguyện thuần khiết có nơi gửi gắm, nên không thấy cảnh giắt tiền vào tay tượng phật hay rải chỗ nọ kia để mong thánh thần chứng giám.
Hiển nhiên, đặt nhiều thùng quyên tiền ở chùa chưa hẳn là hay nhưng lại có thể hiểu thêm vì sao những nơi đặt ít thùng đã dán nhãn “công đức” mà khách đến chùa vẫn không bỏ tiền vào.
Xem ra những cái thùng quyên tiền ấy không chỉ nhận tiền mà còn có ý nghĩa đón nhận niềm tin. Con người khi cầu mong hay sám hối chuyện riêng tư thường tìm nơi tin cậy để gửi gắm, đồng tiền cúng dường tâm thành là một biểu lộ của niềm tin. Mà niềm tin ở cõi tâm linh không cứ động viên hay tuyên truyền là có được.
Cũng như không thể tuỳ tiện thay áo mà thành sư, một cái thùng dán nhãn công đức mà đã ra công đức. Khách đã đến chùa, không bỏ tiền cúng dường vào thùng ở chùa, cứ rải ra ngoài, nếu khách có lỗi thì lỗi của nhà chùa (hay ban bệ nào đó) chắc phải lớn hơn.