Sáng nay, TAND TP Hà Nội mở toà xét xử Nguyễn Thị Nhàn (SN 1957, ở Đông Sơn, Thanh Hoá) cùng các đồng phạm về hành vi Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, Cướp tài sản và Che dấu tội phạm.
Trước đó, cơ quan CSĐT nhận được đơn của chị Nguyễn Thu Hương (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) tố cáo nhóm đối tượng lạ mặt đã bắt cóc bố đẻ mình – ông Nguyễn Văn Thư (SN 1960, GĐ Cty cổ phần xây dựng tổng hợp Đông Hội).
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ: tháng 6-2009, anh Thư cùng đồng nghiệp đến Thanh Hoá gặp Nguyễn Thị Nhàn (GĐ Cty TNHH Đông Nam) để thương thuyết việc Cty Đông Nam chuyển nhượng hợp đồng cho Cty Đông Hội san lấp 1 triệum3 đất, thuộc một dự án ở Thanh Hoá. Theo đó, anh Thư phải “lót tay” cho Nhàn 300 triệu đồng cùng khoản hoa hồng 1,5 tỷ đồng, anh Thư đưa trước Nhàn 500 triệu đồng.
Để “chắc ăn”, Nhàn yêu cầu phía anh Thư phải soạn thảo giấy vay nợ 1,5 tỷ, có đóng dấu của Cty. Tuy nhiên, khi đến hạn thanh lý hợp đồng, phía Cty Đông Nam không thực hiện như thoả thuận, đồng thời Nhàn cũng không trả lại khoản tiền 500 triệu đồng đã nhận trước đó.
Tháng 6-2010, do cần tiền tiêu xài, Nhàn “alo” cho đám dân anh chị, trong đó có Trần Hoà Hợp (SN 1974, ở Mê Linh, Hà Nội), Nguyễn Duy Niêm (SN 1980, ở huyện An Dương, TP Hải Phòng) cùng một số “đầu gấu” khác.
Sau khi tập hợp lực lượng, nhóm Hợp đi tìm anh Thư và bắt cóc, ép lên xe để về Thanh Hoá trả nợ cho Nhàn. Dọc đường từ Hà Nội về Thanh Hoá, các đối tượng thay nhau đánh đấm anh Thư. Lúc thì đe doạ ngay trên ô tô, lúc khác lại chuyển vào nhà nghỉ tiếp tục tra tấn, đánh đập, ép trả nợ 1 tỷ đồng cho bà Nhàn.
Sau khi đã “no” đòn, anh Thư buộc đồng ý trả cho Nhàn 700 triệu đồng nhưng yêu cầu mang giấy vay nợ đến cty rồi mới thanh toán. Nhàn không đồng ý thoả thuận này.
Nhận thấy dấu hiệu vay – nợ giữa Nhàn và anh Thư không có thật, Hợp cùng đồng bọn ngược xe, đưa anh Thư về Hà Nội.
Trong phiên xử sáng nay, quá trình thẩm vấn, các bị cáo đều khai nhận không quen biết anh Thư, việc bắt cóc, ép anh này trả nợ là do “nể nang” bị cáo Nhàn.
Cũng trong phiên xử, HĐXX đã làm rõ được, bị cáo Nhàn được xác định là đầu vụ trong vụ án. Tuy nhiên, trong hồ sơ thể hiện Nhàn có dấu hiệu mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt, được xác định là người có nhược điểm về thể chất, đã có xác nhận của cơ quan y tế. Nhưng, không hiểu lý do gì, quá trình điều tra, lấy cung bị cáo không có luật sư chỉ định và người giám hộ theo quy định của của pháp luật tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Duy Niêm, với cáo buộc phạm tội ở khoản 4, Điều 133 của Tội cướp tài sản, với khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Chiểu theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, trường hợp như bị cáo Niêm bắt buộc phải có luật sư từ giai đoạn điều tra. Nhưng, hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Niêm không có luật sư. Tại toà, Niêm cho biết vẫn muốn có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Với hai tình tiết quan trọng trên, HĐXX buộc phải hoãn toà, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.