Thuế tối thiểu toàn cầu – Những tác động và giải pháp cho Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là một trong hai trụ cột chính của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được 142 quốc gia đồng thuận, trong đó có Việt Nam. 

Mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Song, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đem lại những tác động to lớn cho cả kinh tế quốc gia và không ít doanh nghiệp. Vậy, những tác động đó là gì? Và đâu là giải pháp để Việt Nam sớm hoàn thiện lộ trình áp dụng và hành lang pháp lý dành cho thuế tối thiểu toàn cầu? Những phân tích, chia sẻ của PGS TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Thuế tối thiểu toàn cầu – Những tác động và giải pháp cho Việt Nam ảnh 1

PV: Xin chào PGS TS Lê Xuân Trường! Thưa ông, khi chúng ta áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì sẽ ảnh hưởng thế nào tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư, thưa ông?

PGS TS Lê Xuân Trường:

Tác động cụ thể của thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như: Quy mô doanh thu của tập đoàn; doanh thu của công ty đó tại Việt Nam; mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty đó đang được hưởng; chính sách thuế của nước có công ty mẹ trước khi có thuế tối thiểu… Cụ thể như sau:

- Đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu trong 2 năm của 4 năm liền kề dưới 750 triệu EUR (trừ trường hợp có trụ sở chính tại nước áp dụng thuế tối thiểu) thì không thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu. Một số trường hợp đặc biệt không áp dụng thuế tối thiểu như: Các tổ chức của chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận hoặc quỹ lương hưu là công ty mẹ tối cao (Ultimate Parent Entitities - UPE) của các công ty đa quốc gia; các quốc gia nơi doanh thu của các các công ty đa quốc gia dưới 10 triệu EUR và lợi nhuận dưới 1 triệu EUR. Như vậy, trong những trường hợp này, thuế tối thiểu toàn cầu không có tác động đến lợi nhuận sau thuế của nhà đầu tư.

- Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam mà đang áp dụng thuế suất phổ thông 20% và không thuộc diện được ưu đãi thuế thì cũng không chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu do mức thuế phải nộp vốn đã cao hơn thuế tối thiểu toàn cầu.

- Nếu thuế suất của nước công ty mẹ theo nội luật của nước đó tương đương hoặc thấp hơn thuế suất thực tế đối với các doanh nghiệp được ưu đãi thuế theo luật của Việt Nam thì các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng không chịu tác động với thuế tối thiểu toàn cầu.

- Đối với những doanh nghiệp là thành viên của công ty đa quốc gia thuộc diện được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% hoặc thuế suất 17% nhưng đang trong thời gian được miễn thuế hoặc giảm 50% số thuế phải nộp hoặc vừa được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% vừa được miễn thuế/giảm thuế có thời hạn mà là công ty con của công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên thì thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo ước tính của Tổng cục Thuế thì thuế suất thực tế bình quân của các doanh nghiệp được ưu đãi thuế thu nhập cá nhân khoảng 12,3%; một số trường hợp đặc biệt chỉ khoảng từ 3% đến 6%. Đối với những trường hợp này, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tăng và lợi nhuận sau thuế bị giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thuế thì ở Việt Nam hiện có 1.017 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, 90 tập đoàn sẽ chịu ảnh hưởng nếu thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ 2024. Theo đó, các công ty này có thể phải nộp thêm khoảng 10.000 – 20.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI này sẽ giảm tương ứng với số thuế phải nộp thêm đó.

- Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng có thể giảm lợi nhuận sau thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tùy theo từng điều kiện cụ thể như đã phân tích trên.

Thuế tối thiểu toàn cầu – Những tác động và giải pháp cho Việt Nam ảnh 2

PV: Thưa ông, còn đối với kinh tế quốc gia cũng như là việc thu ngân sách nhà nước sẽ có những thay đổi thế nào khi chúng ta áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thưa ông?

PGS TS Lê Xuân Trường:

Thu ngân sách nhà nước Việt Nam thay đổi như thế nào trong ngắn hạn tùy thuộc vào việc chúng ta lựa chọn phương án áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như thế nào. Nếu chúng ta áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để thu phần thuế bổ sung đối với nhà đầu tư nước ngoài thì có thể thu thêm thêm khoảng 10.000 – 20.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung mà quyền ưu tiên thu thuộc và nước nguồn. Nếu chúng ta không áp dụng quy tắc QDMTT thì sẽ không thu được khoản đó. Ngoài ra, về dài hạn, bên cạnh lựa chọn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như thế nào, việc chúng ta lựa chọn có hợp lý hay không việc chuyển đổi hình thức ưu đãi thuế và các ưu đãi khác cho phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu có tác động đến dòng vốn FDI: Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gắn bó với Việt Nam và đầu tư thêm hay không. Nếu lựa chọn hợp lý thì môi trường đầu vẫn hấp dẫn, kinh tế tăng trưởng tốt là cơ sở để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, và ngược lại.

PV: Thưa ông, vậy xin ông có thể chia sẻ một số giải pháp để chúng ta có thể khẩn trương áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm tới 2024 và đồng thời giữ chân các doanh nghiệp FDI, thưa ông?

PGS TS Lê Xuân Trường:

Chúng ta cần nhanh chóng xác định các phương án trình Quốc hội để quyết định lộ trình tối ưu nhất khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo tôi, trước mắt, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT). Đồng thời, có thể nghiên cứu áp dụng quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR). Để có thể triển khai nhanh chóng thì nên trình Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về nội dung này. Trên cơ sở đó, sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành phù hợp với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Đồng thời, cần nghiên cứu chuyển đổi ưu đãi thuế từ ưu đãi theo thu nhập sang ưu đãi theo chi phí để không bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu, chẳng hạn như: hoàn thuế cho tái đầu tư, cho tính vào chi phí được trừ chi phí hai lần đối với một số khoản chi cho nghiên cứu phát triển hoặc chi phí xúc tiến đầu tư… Các ưu đãi khác ngoài thuế cũng cần nghiên cứu áp dụng để đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ về vấn đề này. Ví dụ, từ năm 2020 Ấn Độ đã áp dụng các chính sách sau: (1) Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất điện tử quy mô lớn (PLI), trong đó hoàn thuế từ 4% đến 6% tính trên doanh thu tăng thêm so với năm tiêu chuẩn đối với các lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, linh kiện điện tử ưu tiên sản xuất trong nước; (2) Chương trình thúc đẩy sản xuất linh kiện và chất bán dẫn điện tử nhằm hỗ trợ 25% chi phí đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ và nghiên cứu phát triển; (3) Chương trình khuyến khích cụm sản xuất điện tử hỗ trợ về chi phí được trừ liên quan đến hạ tầng, đất đai.

Xin cảm ơn ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG