Được quan tâm nhất trong lần sửa đổi này với Luật Thuế thu nhập cá nhân chính là mức giảm trừ gia cảnh, vốn được coi là đã lạc hậu ngay từ khi luật hiện hành có hiệu lực.
Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định trong dự án luật, theo đánh giá của Bộ Tài chính sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế.
Cụ thể, theo quy định hiện hành người có thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 220 nghìn đồng/tháng (2,2% thu nhập) thì theo phương án dự kiến sẽ không phải nộp thuế. Người nộp thuế có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng, có 1 người phụ thuộc, đang phải nộp 690 nghìn đồng/tháng (tương đương 4,6% thu nhập) sẽ giảm còn 120 nghìn đồng/tháng (0,8% thu nhập).
Tuy nhiên, mức giảm thuế đối với những người nộp thuế ở bậc cao thấp hơn, ví dụ người có thu nhập 50 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc), hiện nộp thuế ở mức 7,85 triệu đồng tháng (15,7% thu nhập), khi chuyển sang thực hiện theo phương án dự kiên, số thuế phải nộp là 6,1 triệu đồng (12,2% thu nhập).
Đáng chú ý, dự án luật sửa đổi đã bổ sung quy định về thẩm quyền điều chỉnh trong trường hợp mức giảm trừ gia cảnh khi có sự biến động của chỉ số giá trên 20%. Cụ thể: “Trường hợp giá cả thị trường biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh bằng tiền quy định tại khoản này cho phù hợp với sự biến động của giá cả”.
Ở bản tham luận về dự án sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân tại hội thảo do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức gần đây, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc đã đưa ra khá nhiều con số với sự phân tích tỉ mỉ liên quan đến vấn đề mà theo bà là "nóng" nhất: mức giảm trừ gia cảnh.
Ngược thời gian về thời điểm xây dựng Luật, bà Cúc cho biết khi đó ban soạn thảo đưa ra 2 mức giảm trừ gia cảnh 5 triệu đồng và 4 triệu đồng/tháng, sau đó chốt ở con số thứ 2 và đã được Quốc hội thông qua. Mức 4 triệu đồng được căn cứ vào chính sách tiền lương, GDP trên đầu người hàng năm và mức chi tiêu của đại bộ phận dân chúng.
Theo đó, ban soạn thảo đã tính yếu tố sẽ tăng tiền lương của Nhà nước cũng như mức thu nhập bình quân đầu người năm. Dự tính 2009-2010, thu nhập bình quân đạt khoảng 1.000-1.200 USD một năm, tương đương với 1,6-2 triệu đồng mỗi người một tháng. "Như vậy, từ các yếu tố trên, chúng tôi cho rằng mức giảm trừ cho người đóng thuế 4 triệu đồng là đảm bảo mức thu nhập trên trung bình của xã hội vào thời điểm năm 2010", tham luận nêu rõ.
Còn tại thời điểm hiện nay, bản tham luận đưa ra con số theo kết quả cuộc điều tra xã hội học về thu nhập và mức sống hộ dân cư năm 2010 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 6-2011, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tính chung cho cả nước theo giá hiện hành đạt 1.387.000 đồng/người/tháng (còn thấp hơn cả mức dự tính 1,6-2 triệu đồng khi xây dựng luật), trong đó, nhóm hộ giàu cũng chỉ đạt mức bình quân 3.411.000 đồng/tháng/người.
"Ngoài ra, mỗi người phụ thuộc, mức 1,6 triệu đồng và không hạn chế số lượng. Mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam được các chuyên gia của dự án JCA, EU... đánh giá là rộng rãi nhất thế giới", bà Cúc cho biết.
Đặt câu hỏi mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý, bà Cúc đặc biệt nhấn mạnh điều mà bà muốn làm rõ, rằng người nộp thuế, người phụ thuộc không phải chỉ tiêu dùng trong giới hạn của mức giảm trừ gia cảnh, mà sau khi giảm trừ gia cảnh, giảm trừ khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, đóng góp từ thiện (nếu có) thì thu nhập còn lại mới nộp thuế thu nhập cá nhân. Phần thu nhập đó nếu nộp thuế 5% thì 95% còn lại cộng với mức giảm trừ gia cảnh mới là số thu nhập mà người nộp thuế dùng để chi tiêu.
Ví dụ được đưa ra phân tích là một người thu nhập 15 triệu đồng một tháng có 2 người phụ thuộc thì theo luật hiện hành, sau khi trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc 1 triệu đồng, giảm trừ cho cá nhân 4 triệu đồng, giảm trừ cho 2 cá nhân phụ thuộc 3,2 triệu đồng, tổng thu nhập tính thuế sẽ là 6,8 triệu đồng, thuế thu nhập cá nhân là 430 nghìn đồng.
Như vậy, thu nhập thực tế của người nộp thuế là 14.570.000 đồng chứ không phải chỉ được tiêu dùng trong mức giảm trừ gia cảnh là 7,2 triệu đồng.
Từ các phân tích nói trên, vị chuyên gia ngành thuế cho rằng mức giảm trừ gia cảnh như phương án của dự án luật sửa đổi nếu theo mong muốn dư luận là vẫn chưa đạt yêu cầu, nhưng so với yêu cầu của Luật Thuế thu nhập cá nhân lại là cao và gây bất bình đẳng với thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp tư nhân nộp thuế thu nhập từ đồng đầu tiên, nhưng hộ kinh doanh cá thể lại được giảm trừ gia cảnh đến vài trăm triệu đồng.
Bà Cúc kiến nghị nên lựa chọn phương án giảm mức điều tiết thuế thu nhập cá nhân phù hợp hơn, đó là kết hợp điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh với việc mở rộng các bậc thuế - nâng mức bằng tiền trong từng bậc thuế - hoặc có thể điều chỉnh thuế suất tối thiểu, tối đa. Nếu kết hợp phương án này với mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh lên 6 triệu đồng cho người nộp thuế và 2,4 triệu đồng cho người phụ thuộc thì sẽ hợp lý hơn.
Theo VnEconomy