Thuê chuyên gia bắt khỉ 'rụng' chân về điều trị

0:00 / 0:00
0:00
Chú khỉ tội nghiệp đã mất bàn chân vì dính bẫy kẹp trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) Ảnh: An Bình
Chú khỉ tội nghiệp đã mất bàn chân vì dính bẫy kẹp trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) Ảnh: An Bình
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), cho hay, đang liên hệ các chuyên gia ở TPHCM để bắt chú khỉ bị dính bẫy về điều trị.

“Chú khỉ này đang được cộng đồng rất quan tâm. Chúng tôi đã thuê các chuyên gia để họ có phương án bắt về và tìm cách điều trị”, ông nói.

Đây là chú khỉ mặt đỏ bị dính bẫy ở chân trên bán đảo Sơn Trà, sau đó được du khách phát hiện. Nhiều ngày sau khi gặp nạn, chú khỉ vẫn phải di chuyển khó khăn với cái bẫy kẹp cứng, chân chảy máu nhiều, có dấu hiệu kiệt sức. Hình ảnh khỉ cố gắng hết sức để tháo bẫy nhưng không được khiến nhiều người xót thương và phẫn nộ.

Chị An Bình, nhóm Chung tay cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà - Đà Nẵng cho hay khi biết thông tin đã theo dõi nhiều ngày và thử tiếp cận bằng nhiều cách để gỡ bẫy giúp nhưng bất thành vì chú khỉ rất đề phòng. Trong khi đó chân của khỉ đã lộ xương, thịt bắt đầu hoại tử.

“Đến khi tiếp cận được thì chân của khỉ đã hoại tử nặng và đứt lìa ra cùng chiếc bẫy. Phần chân còn lại trên cơ thể trơ xương trông rất đau đớn. Dù rất muốn xử lý vết thương nhưng không có cách nào bắt được khỉ”, chị xót xa.

Ông Trần Thắng chia sẻ, đơn vị không có dụng cụ, thiết bị chuyên dụng như súng bắn thuốc mê để bắt khỉ nên đành bất lực. Ông cho biết thêm, khỉ mặt đỏ không có ở Sơn Trà, chú khỉ này do người dân nuôi rồi tự ý đem lên thả không đúng khu vực nên khỉ không thể vào sâu trong rừng.

Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện động vật mắc bẫy trên Sơn Trà. Chị An Bình cho hay nhóm chị đã từng gặp nhiều bẫy kẹp, bẫy lồng và rất nhiều loại bẫy khác trên bán đảo. Có bẫy đang kẹp chặt thú rừng được nhóm kịp thời giải cứu.

“Chúng tôi kiến nghị thành phố phải hỗ trợ cho các đơn vị chức năng dụng cụ, thiết bị (như súng bắn thuốc mê) để sử dụng trong những trường hợp động vật hoang dã bị thương cần được cứu chữa kịp thời. Như vậy sẽ không tốn nhiều thời gian cứu hộ. Hoặc những trường hợp bắt giữ để tái thả về đúng phân vùng cũng sẽ được tiến hành thuận lợi”, chị Bình đề xuất.

MỚI - NÓNG