Thúc Tề không phải nhà thơ một bài

Thúc Tề không phải nhà thơ một bài
TP - Nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến ngày Nhà báo Việt Nam và Thương binh liệt sĩ, đêm 4-6, chương trình thơ Nợ văn giới thiệu đời thơ và đời làm báo của nhà thơ, nhà báo Thúc Tề diễn ra ở Huế

> Lên đời ô sin

Hội Nhà báo, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế và gia đình phối hợp tổ chức cuộc này. Thật lý thú, đêm thơ Nợ văn diễn ra trên một cồn nổi cạnh Đập Đá, nơi neo đậu con đò năm xưa Thúc Tề cư ngụ và viết Trăng mơ.

Người yêu thơ biết Thúc Tề qua Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, với bài Trăng mơ man mác nỗi buồn xứ Huế. Lời giới thiệu chưa tới mười dòng:

Tôi yêu Trăng mơ của Thúc Tề. Mở bài ra, hồn thi nhân kéo mình lê thê trên trang giấy, chán nản, uể oải. Có lẽ nó đã nhập vào cái vừng trăng kia, “ẻo lả” khi nằm mơ, “lười biếng” khi thức dậy. Nhưng khi đã tỉnh, nó mới linh động làm sao. Nó uyển chuyển như một người đẹp. Cái mệt mỏi của Dương Quý Phi với cái nhẹ nhàng của Phi Yến.

Nhiều người tưởng Thúc Tề thuộc nhóm “nhà thơ một bài”. Ông làm thơ rất ít, chỉ lưu giữ được năm bài. Ngoài Trăng mơ Xuân lên đường, Em buồn, Nợ văn, Tặng Bích Đào.

Năm 1968, Thúc Tề được Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ sách Thi nhân Việt Nam (quyển trung, xuất bản tại Sài Gòn) với ba bài: Xuân lên đường, Em buồn Trăng mơ.

Thúc Tề tên thật là Nguyễn Thúc Nhuận, sinh 1916, quê ở làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thuở nhỏ học ở Quy Nhơn, sau học Quốc Học Huế.

Năm 1936 (20 tuổi) ông đã có thơ đăng Hà Nội báo, bài Xuân lên đường. Năm 1941 Thúc Tề từ Sài Gòn về Huế. Ông thuê một con đò ở Đập Đá, nơi suốt giải sông Hương nước thở dài, làm chỗ tá túc.

Trăng nước Hương giang thấm đẫm trong từng câu thơ của Thúc Tề: Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước/Ngập tràn sông trắng gợn bâng khuâng/Hương trăng quấn quýt hơi sương ướt /Ngân dội lời tình điệu hát xuân.

Ông thuộc thế hệ nhà báo, nhà thơ tiền chiến với bút danh Thúc Tề và Lãng Tử. Ông sớm có tư tưởng yêu nước, chống Pháp. Nghiệp báo của ông lớn hơn nghiệp thơ, viết cho các tờ: Hà Nội báo, Văn học tạp chí, Mai, Dân quyền.

Chủ bút tuần báo Đông Dương ở Sài Gòn. Gia đình, bạn bè thống kê được trên 100 bài báo của Thúc Tề. Ngoài thể ký, Thúc Tề giữ các chuyên mục điểm sách, điểm báo.

Ông có công cùng nhà văn Hải Triều xây dựng cơ quan Sở Thông tin truyền thông Trung Bộ, Ty Thông tin tuyên truyền Thừa Thiên. Thúc Tề bị quân Pháp bí mật bắt rồi thủ tiêu, bỏ xác ở gần ga Truồi, huyện Phú Lộc cuối năm 1946 khi mới 30 tuổi, nhưng đến tháng 5-1995 mới được công nhận liệt sĩ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG