Thực phẩm mập mờ nguồn gốc, thương hiệu: Lừa người tiêu dùng, gây nhiều hệ lụy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mạo danh nguồn gốc, làm giả nhãn mác hoặc chứng nhận chất lượng thực phẩm để trà trộn vào thị trường đang là hành vi lừa người tiêu dùng, gây nhiều hệ lụy.
Thực phẩm mập mờ nguồn gốc, thương hiệu: Lừa người tiêu dùng, gây nhiều hệ lụy ảnh 1
Khách hàng kiểm tra nguồn gốc khoai lang bán tại chợ Đà Lạt. Ảnh: Vân Sơn

Thực phẩm kém chất lượng, gian lận thương mại đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin, người kinh doanh mất khách hàng. Nhưng nghiêm trọng hơn là sự tác động rất lớn đến nông dân và doanh nghiệp trực tiếp sản xuất lương thực, thực phẩm. Vấn đề này trở thành chủ đề trọng tâm tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TPHCM và 15 tỉnh khu vực phía Nam diễn ra tại Đà Lạt (ngày 3 - 4/12).

Tại Hội nghị, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM, phát biểu: “Thay vì mua thực phẩm chuẩn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có kết quả kiểm nghiệm, nhưng vì lợi nhuận, nhiều gian thương đã sẵn sàng mua sản phẩm không tuân thủ các quy định an toàn để bán ra thị trường hưởng chênh lệch. Vụ việc một số đơn vị mua rau từ chợ đầu mối sau đó gắn nhãn VietGAP và đưa vào nhiều hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tiêu thụ để hưởng chênh lệch tại TPHCM là ví dụ điển hình. Vẫn còn thực phẩm không an toàn len lỏi trên thị trường là vì chúng ta chưa quản lý tốt, chưa phát hiện kịp thời và chưa xử lý nghiêm”.

“TPHCM đã yêu cầu tiểu thương tại các chợ đầu mối khi buôn bán thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, sau khi nguồn hàng từ chợ đầu mối tỏa đi các chợ, đặc biệt là chợ tự phát thì hàng hóa bị trà trộn dẫn đến việc phân biệt, kiểm soát nguồn gốc rất khó khăn”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan,

Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM

Một trong những thị trường nông sản đang bị mạo danh nhiều nhất là cái nôi sản xuất rau củ quả ở Đà Lạt. Ông Nguyễn Đông Hải, Tổng Giám đốc Công ty Vietfarm Đà Lạt, nói: “Có nhiều sản phẩm từ Trung Quốc được nhập về sau đó mạo danh sản phẩm xuất xứ từ Đà Lạt rồi bán khắp nơi trên thị trường. Điều đó khiến những người sản xuất từ Đà Lạt chúng tôi mất rất nhiều thứ từ nền sản xuất đến thị trường. Đơn cử như để sản xuất ra 1kg sản phẩm cà chua hoặc ớt chuông, chi phí phải mất 30.000 đồng. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có những sản phẩm chỉ bán với giá 25.000 đồng. Điều đó khiến chúng tôi mất thị trường”.

Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Langbiang Farm, nhận định: “Chúng ta đang dung dưỡng cho những hành vi lừa người tiêu dùng bởi việc dễ dãi trong hoạt động quản lý. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp đang bị đánh giá quá đơn giản, chỉ xem như mớ rau, con cá nên chưa được quan tâm đúng mức như các quốc gia khác. Ở Nhật, ngoài việc công bố mã vùng của sản phẩm, ảnh chân dung của người nông dân sản xuất được in lên bao bì như hình thức nhận diện nguồn gốc và thương hiệu. Người tiêu dùng Việt Nam cũng phải được hưởng các quyền lợi trên vì sự an toàn và minh bạch”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nói rằng, việc mập mờ sản phẩm xuất phát từ gian thương trong nước, không xuất phát từ nguồn cung ứng ở nước ngoài; mọi hành động gian lận thương mại ảnh hưởng chất lượng sản phẩm khi bị phát hiện sẽ được xử lý nghiêm. “Chúng tôi đã có nhiều hướng dẫn phân biệt sản phẩm của Đà Lạt với sản phẩm nhập từ Trung Quốc nhưng hiệu quả chưa cao”, ông Sơn cho hay.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.