Denis Johnson và Cây khói: “O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu” (Tố Hữu) |
Sau khi các nhà xuất bản cho biết toàn bộ các tác phẩm trong năm của mình, các ban giám khảo thông báo danh sách các tác phẩm được chọn xét giải, thường qua nhiều vòng.
Cuối cùng, các cuốn sách trúng giải lần lượt được công bố, bắt đầu từ Viện hàn lâm Pháp, ngày 30 tháng Mười, qua Fémina, Médicis, Goncourt, cuối cùng là Interalie, ngày 18 tháng Mười một.
Đến 20 tháng Chín vừa rồi, 43 cuốn sách của các tác giả Pháp và 24 của người viết nước ngoài đã được đề cử cho mấy giải văn chương chính vừa nêu. Nếu mảng trong nước có thể bất ngờ khi danh tính các giải thưởng lộ diện, thì mảng nước ngoài thường khá ổn định.
Năm nay, “giải công chúng” dường như đã được khẳng định. Hiện thời, không chỉ giới chuyên môn mà cả đông đảo bạn đọc bàn tán sôi nổi về Cây khói, tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Denis Johnson.
Nó nghiễm nhiên được suy tôn sớm là “Cuốn sách của năm” tại xứ sở mê sách bậc nhất toàn cầu. Nó ra đời năm ngoái ở Tổ quốc quê hương của ông. Cuối năm, nó đoạt Giải sách quốc gia danh giá của nước này.
Điều kỳ thú, bây giờ, khi được độc giả Pháp đón đọc vồ vập, nó mới được mổ xẻ và săm soi ở đây và tại Hoa Kỳ. Cầm chắc, nó sẽ chiếm vị trí trang trọng không kém những tác phẩm từng được vinh danh trước tiên tại Pháp rồi mới nổi đình đám ở quê nhà, ví như Những nữ thần nhân hậu, Goncourt 2006, của Jonathan Littell.
Thành công trên thị trường sách Pháp là chứng chỉ vào đời của bất kỳ tác phẩm văn chương không viết bằng ngôn ngữ của Hugo hay Balzac.
Sườn cốt truyện của Cây khói là cuộc điều tra một vụ giết người xảy ra ở Philippines năm 1963, dịp Tổng thống John Kennedy bị ám sát tại Mỹ.
Một linh mục Hoa Kỳ bị nghi nhầm ủng hộ phong trào cộng sản sở tại và bị giết chết. Người ta dùng ống xì đồng thổi đạn chì vào ông, chứ không dùng súng hay dao găm. Xác ông trôi trên sông, vướng vào lau sậy ven bờ.
Chàng trai Mỹ Skip Sand, vốn đang học nhiều tiếng nước ngoài và làm việc cho Cơ quan tình báo quốc gia, nhìn thấy cái xác, và bắt đầu tìm hiểu vụ việc.
Y lần hồi khám phá được tung tích kẻ sát nhân, người Đức, mê đọc sách, đặc biệt là tác phẩm của George Simenon, văn hào Bỉ. Tên giết người về sau sang Nam Việt Nam, trong đoàn quân tham chiến.
Gã thường say sưa đọc Simenon cho đồng đội nghe, được các mật vụ CIA tiếp cận nhiều lần. Skip Sand xin chuyển công tác tới chiến trường nóng bỏng nhất bấy giờ, chủ ý theo dõi tiếp tên tội phạm.
Y có cậu ruột là đại tá kiêm cố vấn trong quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Tuy vỡ mộng, ông ta vẫn mẫn cán với nhiệm vụ, cũng thích văn chương, chả hạn đọc nhiều Orwell để nhận diện tốt nhất thảm họa đang diễn ra hàng ngày.
Từ khi đặt chân đến Nam Việt Nam, Skip Sand thấy vụ án vị mục sư không quan trọng nữa. Hơn nữa, nhờ sự giúp sức của ông cậu, y nhanh chóng vỡ lẽ rằng các điệp viên Việt Nam Cộng hòa ăn lương Mỹ nhưng cung cấp những thông tin ngụy tạo.
Thất bại của tình báo Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam và Việt Nam nói chung đã được định đoạt trước vậy. Y đinh ninh sẽ được chứng kiến những thực tế tại chỗ, xác nhận những điều trừu tượng bấy nay y vẫn đọc và ngầm phán đoán, kết luận.
Thì đây, quân Mỹ đi càn, bỗng dưng súng từ đâu xả vào họ. Lính Mỹ nháo nhào, vừa sợ vừa bực tức, song đố lần được thủ phạm. Họ phản ứng khác nhau, nhóm rưới xăng lên nhà dân, thường lợp tranh hay lá, châm lửa đốt, nhóm bắn vãi đạn tứ phía, tưởng kẻ thù chết như ngả rạ, nhóm lăm lăm lùng sục vào từng xó xỉnh nghi có Việt cộng… Song chỉ là vô bổ. Đôi khi còn rước thêm họa vào thân.
Đây nữa, quân Mỹ bắt được một chiến binh cộng sản. Hỏi cung và tra tấn thế nào cũng không được trả lời, chúng dã man khoét mắt anh, thích chí cười. Rồi bỏ hai con mắt của anh vào tròng mắt, có điều lộn ngược, thử xem anh có nhìn thấy ruột gan mình không.
Chờ đợi căng thẳng xông trận hay tiếp viện, bị trọng thương giữa bom đạn mịt mù, chạy cuống cuồng và tuyệt vọng để ẩn nấp hay tránh đạn, thót tim trước những cánh đồng hay khu rừng xanh đẹp mê hồn, nhưng ẩn tàng những cái chết kinh hoàng… vô vàn những chuyện kỳ lạ như thế biến mảnh đất Nam mê hồn trận rùng rợn, khủng khiếp, bí ẩn, mà hàng nghìn hàng vạn lính Mỹ vừa sa chân vào đã hiểu ngay là hố chôn mình, nhưng muốn thoát cũng không sao thoát nổi.
Vấn đề cốt tử đối với họ là cứu lấy mạng mình và tận hưởng những niềm vui trần thế, khi chưa quá muộn. Giết chóc “kẻ thù” và giết hại lẫn nhau, hành hạ “quân địch” và hành hạ lẫn nhau bằng đủ trò quái đản, tranh thủ mọi cơ hội có thể để làm tình chớp nhoáng…, đó là cách nguôi ngoai lo sợ và thống khổ hữu hiệu và lãng quên tốt nhất thực tại phũ phàng.
Nghịch lý là ở chỗ, càng hung bạo thì càng sợ hãi, càng thú tính thì càng bế tắc. Người lính mỗi độ một mất phương hướng, bản năng bị thả nổi, họ là gánh nặng của chính họ.
Dưới vẻ ngoài một tiểu thuyết trinh thám, thực tế Cây khói là một tác phẩm hiện thực cổ điển, có phân tích tâm lý thuyết phục, có chân dung nhân vật điển hình, có khắc họa bối cảnh và ngoại hình sinh động.
Qua cuộc chiến tranh xâm lược điên rồ của Mỹ ở Nam Việt Nam được nhìn nhận như một cuộc giải trí bệnh hoạn do công nghiệp giải trí tình dục Hollywood du nhập vào, nó báo động khẩn thiết về mâu thuẫn cơ bản của xã hội Mỹ hiện đại: con người không cưỡng được xu hướng tự nhiên đắm chìm và lang thang mãi trong muôn vàn khổ đau và điên cuồng rồ dại, vừa tự đày đọa như thế vừa rình chờ một sự cứu rỗi làm sao có được.
Sự bí hiểm của cõi đời “tăng trưởng” không ngừng. Chủ nhân của nó, con người, hầu như không sao giải mã nổi. Phần lớn “Người hùng chiến tranh” từ Việt Nam trở về vướng mắc với pháp luật không ở Hoa Kỳ thì ở nước khác.
Việt Nam là ký ức vĩnh cửu, trong văn học nghệ thuật, điện ảnh, trong trái tim, bởi lẽ, tất cả họ đều bị hủy hoại về mặt tinh thần. Chả thế, nhân vật chính Skip Sand thông minh có thừa, giàu tình nhân loại, bao phen tưởng nắm bắt được bí mật “của Chúa” rồi, nhưng lại ngã ngửa, mình “vẫn ngu lâu” và đành phó mặc số phận cho may rủi.
Năm 1983, y bị treo cổ ở Malaysia vì buôn lậu vũ khí. Cuốn sách cuốn hút và chấn động mạnh mẽ một phần quan trọng là nhờ âm hưởng đạo đức, âm hưởng thịnh hành trong văn chương cổ điển, nhất là trong văn học Nga thế kỷ 19, song thật hiếm hoi hiện thời.
Tác giả của nó, Denis Johnson, là con một nhà ngoại giao phụ trách tình báo. Ông sinh ở Munich, Đức, năm 1949, qua tuổi thơ và vị thành nên ở nước ngoài, chả hạn Nhật Bản, Philippines,…
Năm 19 tuổi, ông về nước học văn học ở Đại học Iowa. Ông nhập làng văn từ năm ấy, từng nhận nhiều giải thưởng, song điều cốt tử là tạo được nét riêng không thể trộn lẫn, mà Cây khói là một bằng chứng đáng trân trọng. Với ông, đạo đức nói chung, đạo lý nói riêng, là kim chỉ nam cho mỗi cuộc đời.
Đinh Thủy Hương
Theo nhiều tài liệu nước ngoài