Thừa Thiên - Huế: Lồng cá bỏ hoang vì dịch rận nước

Thừa Thiên - Huế: Lồng cá bỏ hoang vì dịch rận nước
TP - Thời vụ thả nuôi cá lồng ở phía bắc phá Tam Giang bắt đầu từ 3 tháng nay, nhưng cả một vùng mặt nước của các xã Quảng Phước, Quảng Lợi, Quảng Thái,… đều đang im lìm trong cảnh hoang tàn.
Thừa Thiên - Huế: Lồng cá bỏ hoang vì dịch rận nước ảnh 1
Người nuôi cá Quảng Điền thẫn thờ bên lồng nuôi bị bỏ hoang vì rận nước

Tại xã Quảng Thái, ngay từ sau Tết Nguyên đán, người dân sốt sắng chuẩn bị gần 400 lồng lưới (mỗi lồng rộng 30m2, chứa được 2.000 con cá trắm giống).

Tuy nhiên, cá giống thả nuôi qua nhiều đợt gần đây đều bị một loài ký sinh trùng có tên là rận nước giết chết hàng loạt. Có nhiều hộ thả nuôi đến lần thứ ba, tiêu tốn hàng triệu đồng, nhưng tất thảy đều trắng tay.

Ông Văn Thanh Dũng - Chủ tịch Chi hội Nghề cá Quảng Thái - cho biết, con rận nước vốn không xa lạ ở vùng đầm phá Tam Giang (nó còn có tên là “bét cá”), trước đây số lượng rất ít, trong hàng nghìn cá nuôi, mới có một số con bị “nhiễm” rận.

Thời gian gần đây, rận sinh sôi dày đặc tại khu vực phía bắc phá Tam Giang, ở cả những vùng mặt nước tự nhiên rộng lớn, nhưng hiện vẫn chưa có thuốc “đặc trị”.

Rận nước có thân hình dẹt như hạt đỗ, con lớn nhất khoảng bằng móng tay người, bơi rất nhanh, bám dày đặc vào thân và mang cá để hút máu, khiến cá bị lở loét cho đến chết.

Tại xã Quảng Lợi kế cận, tình hình cũng bi đát không kém, hơn 300 lồng nuôi vụ I/2007 đang trong tình trạng “phơi khô” hoặc bị đánh chìm do “dịch” rận hoành hành dữ dội.

Ngư dân Phan An (thôn Trung Làng) cho biết, mọi năm hộ ông nuôi 3 lồng cá trắm, nhưng nay đang trong cảnh “ăn không, ngồi rồi”. Mỗi lồng cho thu nhập từ 5 - 12 triệu đồng trong một vụ nuôi, góp phần giải quyết được nhiều chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) TT-Huế, “dịch” rận nước đã lan đến nhiều xã khác như Quảng Phước, Điền Hòa, Điền Hải…, nơi hiện có khoảng 500 hộ chuyên nuôi cá với gần 1.000 lồng lưới.

Chi cục đã cử cán bộ về giúp dân xử lý các lồng còn lại bị rận nước tấn công, theo cách dùng bạt lớn bao quanh, tiến hành phun thuốc Neguvon trong thời gian 15-20 phút, sau đó tháo bạt cho nước lưu thông.

Hoặc dùng nước muối nồng độ 2 - 4% để tắm cho cá…, tuy nhiên tất cả chỉ là những giải pháp tình thế.

Cuối tháng 3, một số cán bộ - sinh viên trường Đại học Nông Lâm Huế đã về khảo sát dịch bệnh trên cá nuôi và thử thả nuôi một lồng cá trắm khoảng 20 con, nhưng sau vài ngày, tất cả cá bên trong đều bị rận nước “xơi tái”.

Hiện nay, nhiều ngư dân TT-Huế đang lo ngại nguy cơ rận nước có thể lan rộng ra cả đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á), với diện tích 248,7 km2.

Mối quan ngại này là có cơ sở, vì người dân ven phá thời gian gần đây còn vớt được nhiều loài cá tự nhiên như cá dầy, trặc, đối, buôi… bị rận nước “ép” chết trôi dạt vào bờ.  

MỚI - NÓNG