Thủ tướng: Tuyên chiến với gian thương phá hoại thương hiệu tôm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan tôm giống của Cty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung trưng bày.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan tôm giống của Cty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung trưng bày.
TP - Tại hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bảo vệ uy tín, thương hiệu tôm Việt Nam và khẳng định: “Chính phủ tuyên chiến với gian thương bơm tạp chất, phá hoại thương hiệu tôm”.

Ngày 6/2, chủ trì hội nghị “Phát triển ngành tôm Việt Nam” tại Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung để đưa Việt Nam thành công xưởng tôm của thế giới, với mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh phải thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hướng đến công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, giá trị toàn cầu và con tôm được xem là đối tượng hàng đầu. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong khoảng 4 triệu ha đất nông nghiệp, 1 triệu ha có thể phát triển nuôi tôm, chưa kể có hàng nghìn cây số bờ biển, cửa sông… có thể phát triển con tôm.

Ưu thế lớn

Cũng theo ông Cường, hiện chưa có đối tượng nuôi nào mang lại giá trị cao như con tôm, trong khi thời gian nuôi ngắn, như tôm thẻ chân trắng, nếu nuôi tốt chỉ mất 60-65 ngày/lứa. Thế giới càng giàu có càng thích ăn tôm, nên chưa có dấu hiệu gì về hạn chế thị trường. “Nền tảng chuẩn bị cho phát triển công nghiệp tôm đã có sẵn. Tiềm năng phát triển con tôm rất lớn, không chỉ dừng lại 3 tỷ USD xuất khẩu và diện tích nuôi 700 nghìn ha, mà có thể tăng lên nhiều, nhưng cần có sự quyết tâm từ Chính phủ đến người nuôi”- ông Cường nói.

“Con tôm lớn lên cùng đất nước, ngành tôm trở thành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì phải nhiều người cùng đi. Với ý nghĩa đó, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, bà con nuôi tôm đoàn kết để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2016, cả nước đã xuất khẩu gần 660.000 tấn tôm đi hơn 90 thị trường trên thế giới, kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Chỉ tính riêng Tập đoàn thủy sản Minh Phú-hiện là DN chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, đạt kim ngạch 535 triệu USD.

Thực tế, diện tích thả nuôi tôm liên tục tăng, hiện đạt gần 700.000 ha, trong đó diện tích tôm sú khoảng 600.400 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… có thể hình thành vùng nuôi tôm trọng điểm.

Hiện sản xuất tôm giống được tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau, Bạc Liêu với 2.400 cơ sở sản xuất giống (trong đó hơn 1.860 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 560 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng), mỗi năm cung cấp trên 100 tỷ con giống.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 400 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư sản xuất thức ăn nuôi tôm. Cùng đó, có trên 350 cơ sở chế biến tôm, với công suất trên 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm, vượt so với nhu cầu chế biến nguyên liệu trong nước.

Tuy nhiên, hiện ngành tôm đang đối mặt với dịch bệnh, tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập 90% (khoảng 180.000 - 260.000 con), giá thành nuôi tôm còn cao; tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh, bơm tạp chất… đang ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh và uy tín của tôm Việt Nam.

Nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Vũ Văn Tám, ngành nuôi tôm sẽ phát triển theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp. Đồng thời, phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm - rừng, tôm - lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái.

Ông Dương Thành Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh này đang triển khai và sẵn sàng mời gọi đầu tư Khu công nghệ nông nghiệp chất lượng cao nuôi tôm, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Ông Trung kỳ vọng, Tập đoàn Việt - Úc, Cty Trúc Anh là doanh nghiệp triển khai các mô hình nuôi tôm chất lượng cao, siêu thâm canh đạt hiệu quả sẽ tạo hiệu ứng cho những người nuôi tôm khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng cho biết, Cà Mau đã xây dựng đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm. “Chúng tôi ưu tiên dự án hỗ trợ DN tích tụ ruộng đất để nuôi tôm siêu thâm canh, doanh nghiệp xã hội nuôi tôm - rừng, nuôi tôm - lúa, phát triển chuỗi giá trị thương hiệu tôm Cà Mau” - ông Hải nói.

Đồng quan điểm với lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, ông Lê Văn Quang-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú nói: “Bài toán của Minh Phú là phát triển doanh nghiệp xã hội - môi trường với mô hình tôm - rừng, tôm - lúa với chuỗi quy trình quản lý con giống, thả nuôi, tôm nguyên liệu sinh thái thân thiện môi trường, mang lại giá trị tăng 30% cho người nuôi tôm. Người ăn tôm sẽ tự hào góp phần bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội”. Năm 2017, Minh Phú phấn đấu đạt doanh thu 700 triệu USD với chuỗi tôm - rừng, tôm - lúa.

Không riêng tôm - rừng, tôm - lúa, Chủ tịch HĐQT Cty Thông Thuận, ông Trương Phước Thông cho rằng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát trải bạt tại các tỉnh ven biển miền Trung đã đem lại hiệu quả cao, tăng sản lượng, năng suất và kim ngạch xuất khẩu.

“Chúng tôi đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam” - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc Đặng Quốc Tuấn nói. Với tham vọng xây dựng Việt Nam thành đại công xưởng ngành tôm ở thế kỷ 21, Tập đoàn Việt - Úc đang áp dụng công nghệ cao sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn tôm, nuôi tôm siêu thâm canh... Trong khi đó, Tổng GĐ Cty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung Nguyễn Hoàng Anh đề nghị sớm thành lập Hiệp hội Tôm Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và mạnh ai nấy làm.

Cùng hành động để xây dựng thương hiệu tôm quốc gia

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định tầm nhìn, chiến lược phát triển ngành tôm Việt Nam. ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm với thương hiệu tôm quốc gia. Thủ tướng đề nghị khảo sát vùng nuôi tôm để đầu tư thủy lợi, cung cấp điện, bảo vệ vùng sinh thái. Các tỉnh, thành cần kiểm soát nguồn nước cấp, nguồn nước nuôi, nguồn nước thải. Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam cung cấp điện ba pha cho vùng sản xuất tôm; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp vốn, lãi suất hợp lý để sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm.

Theo Thủ tướng, bài toán cần giải là chủ động con giống, thức ăn,… để không phụ thuộc vào nước ngoài và giảm giá thành sản xuất, nâng chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Bộ NN&PTNT, các cơ sở khoa học, cơ quan quản lý phải giúp bà con nuôi tôm giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, về giá cả thị trường.

Thủ tướng đề nghị giảm chi phí trung gian, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Phát triển con tôm Việt Nam theo tư duy hệ thống, xuất khẩu tôm quy mô lớn với thương hiệu lớn về tôm Việt Nam. Về bảo vệ uy tín, thương hiệu tôm Việt Nam, Thủ tướng nói: “Chính phủ tuyên chiến với gian thương bơm tạp chất, phá hoại thương hiệu tôm”.

Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT xây dựng Chương trình hành động Quốc gia về phát triển ngành tôm bền vững, phát triển công nghiệp tôm Việt Nam; Bộ KH&CN đưa con tôm nước lợ vào đối tượng sản phẩm Quốc gia; Bộ Công Thương mở rộng thị trường, đấu tranh với hàng rào kỹ thuật phi lý; Bộ KH&ĐT bố trí vốn để triển khai các vùng quy hoạch sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao.

Doanh nghiệp Việt gặp khó vì quy định cấm nhập khẩu tôm của Úc

Bộ Công Thương cho biết, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã có báo cáo về việc bị ảnh hưởng nhiều trước lệnh cấm nhập khẩu tôm của Úc và kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ.

Theo Bộ Công Thương, hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc thì bị trả về. Hai doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm của Úc này mỗi tháng xuất khẩu sang Úc khoảng 100-150 tấn hàng hóa.

Lệnh cấm nhập khẩu tôm xanh được đưa ra sau khi bùng phát dịch đốm trắng tại các trang trại nuôi tôm phía Đông Nam bang Queensland vào tháng 12/2016. Nông dân Úc cho rằng các sản phẩm nhập khẩu chính là nguồn gốc của sự lây lan bệnh dịch này, tuy nhiên chính quyền vẫn chưa xác định được điều đó có đúng hay không. Lệnh cấm có hiệu lực thi hành ngày 9/1/2017. Theo đó, tất cả các lô hàng tôm nhập khẩu mới sẽ bị đình chỉ.    

Thục Quyên

MỚI - NÓNG