Thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn
Điểm nổi bật của ba công ty công nghệ cao tại thung lũng Silicon là trụ sở làm việc như những công viên thu nhỏ, gần gũi với môi trường. Trong khuôn viên công ty là những tán cây rợp bóng mát, những hàng ghế và bàn tròn để nhân viên thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Chính môi trường và không gian làm việc này đã giúp nhân viên của họ có những giây phút thư giãn, thăng hoa và sáng tạo trong công việc.
Phát biểu khi đến thăm Công ty Synopsys, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để hiện thực hoá quan hệ Việt - Mỹ là Đối tác chiến lược toàn diện mới được tuyên bố cách đây một tuần, thì có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp hai nước. Trong đó, có một trụ cột ưu tiên hợp tác là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo. Thủ tướng mong muốn Synopsys tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam. "Với không khí chính trị đang rất tốt đẹp giữa hai nước thì việc mở rộng sản xuất và chuỗi cung ứng của công ty tại Việt Nam là yêu cầu khách quan", Thủ tướng, nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các nhân viên người Việt Nam đang làm việc tại Công ty Synopsys. Ảnh: Nhật Bắc |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ trưởng đã chứng kiến lễ ký kết giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH&ĐT) và Công ty Synopsys hỗ trợ phát triển trung tâm ươm tạo thiết kế chíp.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phòng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Hợp tác này nhằm đào tạo lực lượng lao động thiết kế vi mạch chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp thiết kế chip tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) và Synopsys hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam |
Chương trình hợp tác này hỗ trợ chiến lược của Chính phủ với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp.
Theo đó, Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình “Đào tạo Giảng viên" cho Trung tâm để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) và Synopsys hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Synopsys cũng sẽ hỗ trợ Cục Công nghiệp CNTT-TT lập kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam.
Tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo
Tới thăm Công ty Nvidia, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trao đổi với ông Jensen Huang, người đồng sáng lập và hiện là Chủ tịch của Nvidia về xu hướng phát triển AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rất rộng mở giữa Công ty với phía Việt Nam, cũng như những góp ý cho chiến lược quốc gia về bán dẫn mà Việt Nam đang xây dựng
Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng về sự phát triển của Nvidia, công ty do một người gốc châu Á sáng lập và vận hành.
Thủ tướng đề nghị Nvidia tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà tập đoàn có thế mạnh và Việt Nam cũng đang dành ưu tiên cao, góp ý, tư vấn về chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng về sự phát triển của Nvidia, công ty do một người gốc châu Á sáng lập và vận hành. |
Thủ tướng mời Chủ tịch Nvidia thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, với mong muốn Nvidia sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các Bộ tham gia đoàn công tác (Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đồng hành, hỗ trợ, cùng đại diện của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trao đổi cụ thể lại với Nvidia để có các kế hoạch triển khai các chương trình, dự án thời gian tới.
Nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng, Chủ tịch Nvidia đánh giá Việt Nam đang có những thay đổi rất lớn; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Nvidia là một công ty công nghệ đa quốc gia, chuyên thiết kế các bộ xử lý đồ họa (GPU), giao diện lập trình ứng dụng (API) cho khoa học dữ liệu và điện toán hiệu năng cao cũng như hệ thống trên các đơn vị chip (SoC) cho thị trường điện toán di động và ô tô. Có nhiều đối thủ cạnh tranh, song Nvidia được coi là công ty rất đặc biệt bởi các công ty trong lĩnh vực AI khác đều phải sử dụng các sản phẩm của Nvidia.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nvidia có hơn 26.000 nhân viên trên toàn cầu, với doanh thu đạt gần 27 tỷ USD. Nvidia củng cố vai trò tiên phong và dẫn đầu với sự kiện có tên là “Diễn đàn Công nghệ GPU Nvidia” (GTC), là một chuỗi các hội nghị kỹ thuật được tổ chức trên toàn thế giới bắt đầu năm 2009 tại San Jose, California.
Với cơn sốt AI toàn cầu, Nvidia đang tăng kế hoạch sản xuất chip AI cho năm 2024 lên hơn 3 lần và doanh thu của công ty dự kiến còn tăng rất nhiều trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Nvidia là nhà cung cấp máy chủ và trí tuệ nhân tạo hàng đầu. Nvidia cũng đã ký thỏa thuận với Viettel với mong muốn trở thành một đối tác của Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực nội địa về AI. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia nhằm hỗ trợ triển khai các giải pháp AI mới nhất; hai bên dự kiến hoàn thiện các thủ tục nội bộ và ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu-phát triển-chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vào tháng 10.