Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu Phiên thảo luận với chủ đề “Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương”.
Tại phiên khai mạc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận nhiều nỗ lực trong quản trị biển và đại dương, nhưng rất cần phải có những đột phá, nhất là huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực để ứng phó với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và hỗ trợ cho các quốc gia bị tác động nặng nề nhất.
Thủ tướng đề nghị thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường biển.
Với môi trường siêu kết nối trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội phát triển cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bảo vệ biển - Đại dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.
* Bên lề Hội nghị WEF Davos 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, tiếp xúc. Tại cuộc gặp Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Ngài Sharma Oli được bầu lại làm Thủ tướng Nepal; khẳng định chính sách nhất quán luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Nepal. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; thúc đẩy sớm ký Thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước sang tìm hiểu thị trường đầu tư trong lĩnh vực Nepal có nhu cầu như viễn thông, năng lượng, hạ tầng…và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thực phẩm, dệt may, da giầy, điện tử...
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn Nepal đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Thủ tướng Sharma Oli chúc mừng Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua cũng như vai trò ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Chính phủ Nepal sẽ tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư kinh doanh tại Nepal.
* Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên hệ thống các nguyên tắc và luật trong khuôn khổ WTO; nhấn mạnh sau hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm cao.Tổng Giám đốc WTO bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội mọi mặt của Việt Nam; cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của Việt Nam trong hệ thống thương mại đa biên; khẳng định WTO sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực về hội nhập, thương mại quốc tế.
* Tại buổi tiếp Tổng Giám đốc Công ty AB Inbev Carlos Brito, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các hoạt động của Tập đoàn AB InBev tại Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi; đồng thời đề nghị Công ty AB Inbev tích cực thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) sớm đẩy nhanh tiến trình thông qua Hiệp định EVFTA để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu thúc đẩy hợp tác đầu tư thời gian tới.
* Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Procter & Gamble Mages-vanran Suranjan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của Tập đoàn P&G tại Việt Nam trong thời gian qua; đề nghị Tập đoàn P&G tiếp tục mở rộng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
* Tại buổi tiếp Giám đốc Tập đoàn Adidas Kasper Rorsted, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Liên minh châu Âu (EU) và cộng đồng doanh nghiệp EU, trong đó có Adidas đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định EVFTA khi đi vào thực thi, hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai bên sẽ phát triển và mở rộng hơn nữa; mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp của cả hai bên.
* Tại buổi tiếp Chủ tịch, Tổng Giám đốc Điều hành Carlsberg Cees’t Hart, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Tập đoàn bia Carlsberg thời gian qua; nhấn mạnh việc tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, trong đó có Carlsberg, vào quá trình cổ phần hóa của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực.Thủ tướng đề nghị Carlsberg góp tiếng nói chung thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
* Tại buổi tiếp Phó Chủ tịch Facebook Nick Clegg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Facebook tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin, phát triển kinh doanh qua các mạng xã hội.Trước một số vụ việc liên quan đến việc phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội, Thủ tướng đề nghị Facebook tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng quản trị và dịch vụ cho khách hàng của Facebook tại Việt Nam, nhất là cơ chế xác thực thông tin để tránh vấn đề giả mạo.
* Tại buổi tiếp Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Sanofi Kathleen Tregoning, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các dự án của Công ty Sanofi tại Việt Nam, góp phần bảo vệ, cải thiện sức khỏe của người dân; đề nghị Công ty Sanofi tiếp tục mở rộng sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất các thuốc phát minh, biệt dược, các thuốc có dạng bào chế hiện đại, các thuốc chuyên khoa đặc trị thế hệ mới, vắc-xin, sinh phẩm y tế, đặc biệt là vắc-xin; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thuốc để đại bộ phận người dân có thể dễ tiếp cận, sử dụng.