Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Shangri-La

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Shangri-La
TPO - Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ban tổ chức Đối thoại Shangri La, sáng nay (31/5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam sẽ rời Hà Nội sang Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 12.

> Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam tới dự Shangri-La 12

> Shangri-La 12 sẽ thảo luận các vấn đề biển Đông

Đây là sự kiện hàng năm có ý nghĩa quan trọng đối với hoạch định chiến lược và hợp tác về quốc phòng, an ninh và xây dựng lòng tin ở khu vực. Với tư cách là khách chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài diễn văn khai mạc sự kiện quan trọng này.

Đối thoại Shangri-La tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 tại Singapore, theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế. Đối thoại Shangri-La diễn ra hàng năm với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả đến từ 27 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm 10 nước ASEAN và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Đức, Anh…

Đối thoại Shangri-La đã và đang trở thành diễn đàn để các quốc gia bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh; cùng trao đổi thẳng thắn về các vấn đề nổi lên ở khu vực và quốc tế, đồng thời định hướng chiến lược các vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa các bên…

Tham gia Đối thoại Shangri-La ngay từ lần đầu tiên, 11 năm qua, Việt Nam đã chủ động nâng cấp thành phần tham dự từ cấp vụ, viện, học giả đến cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với nhiều sáng kiến tích cực, đề nghị trách nhiệm đối với an ninh của khu vực, nhất là liên quan đến thúc đẩy ngoại giao quốc phòng, đối phó với các thách thức an ninh biển mới.

Diễn ra trong 2 ngày 31/5 và 1/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 sẽ tập trung vào một số chủ đề như: Tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; các thể chế khu vực và toàn cầu và an ninh châu Á, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Phiên họp đặc biệt tại Shangri-La lần thứ 12 cũng sẽ thảo luận một số vấn đề mang tính chuyên môn liên quan đến phòng ngừa xung đột trên biển; các công nghệ và học thuyết quân sự mới; ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; quy mô mạng thông tin và an ninh châu Á…

Với tư cách là khách chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài diễn văn khai mạc sự kiện quan trọng này (dự kiến diễn ra vào tối 31/5). Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được coi là định hướng những nội dung chính cho Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, thể hiện quan điểm, cách xử lý nhiều vấn đề liên quan đến thách thức an ninh đối với khu vực và quốc tế, cũng như một số vấn đề mang tính toàn cầu khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ đề ra các sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tham gia giải quyết các thách thức, trên cơ sở phù hợp với lợi ích chung của khu vực và mỗi quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ thể hiện chính sách quốc phòng, an ninh của Việt Nam vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, thể hiện quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề đang nổi lên ở khu vực, trong đó có vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vai trò là diễn giả chính tại một diễn đàn lớn, tầm cỡ về quốc phòng, an ninh của khu vực, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Nhân dịp tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ, hội kiến với các nhà lãnh đạo Singapore nhằm trao đổi sâu rộng các biện pháp đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương, thúc đẩy sớm chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam-Singapore lên đối tác chiến lược./.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG