Thủ tướng: Không để thảm kịch 39 người Việt Nam tử vong ở Anh tái diễn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh Như Ý)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh Như Ý)
TPO - "Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội chiều ngày 8/11.
Chất vấn thủ tướng

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

08/11/2019 14:10

Theo chương trình, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn để báo cáo làm rõ những vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trước đó, trong phiên chất vấn các đối với 4 bộ trưởng, nhiều đại biểu cũng đã chuyển những câu hỏi và đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ.

08/11/2019 14:49

08/11/2019 14:52

08/11/2019 14:58

Thủ tướng: Không để thảm kịch 39 người Việt Nam tử vong ở Anh tái diễn

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự quan tâm giám sát, đánh giá của các vị Đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Theo Thủ tướng, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Từ đó, Thủ tướng đặt vấn đề, phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.

“Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn! Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

08/11/2019 15:12

Đề nghị Bộ trưởng, Chủ tịch rà soát đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng

Trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, Thủ tướng nhận định, đây là cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến đầy khó khăn thách thức. Song phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Phải bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài pháp luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đôi với đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn.

Chính phủ đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tổng hợp những bất cập của pháp luật được phát hiện trong quá trình thực thi công vụ để đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời, vừa đẩy mạnh chống tham nhũng, vừa phải tạo điều kiện cho phát triển đất nước.

“Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan thực thi bảo vệ pháp luật và các cơ quan liên quan khác rà soát lại đội ngũ để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, gây nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.

08/11/2019 15:28

Có lợi ích nhóm qua vụ nước sông Đà bị “đầu độc”?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn: Qua việc nhà máy nước sông đà bị đầu độc có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia.

Ông Nhưỡng nêu quan điểm, cần làm ba việc: Xử lý nghiêm các vi phạm, xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; xây dựng luật về sản xuất và cung ứng nước sạch. Từ đó, ông chất vấn quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này?

Đại biểu đoàn Bến Tre cũng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình về vấn đề trách nhiệm của một số cán bộ thuộc Bộ Công an liên quan đến vụ AVG?

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó hãy làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.

“Tôi nhất trí rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng phải tăng cường chỉ đạo các cấp kiểm tra, để thực hiện đúng Luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

08/11/2019 16:17

Thủ tướng tiếp tục trả lời các câu hỏi: Về kinh tế tư nhân, Đảng, nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển đất nước. Việt Nam đã có trên 800 nghìn doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Đến nay kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP và có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư sản phẩm có giá trị cao, nhất là đã ứng dụng một số ứng dụng mới trong phát triển. Nhà nước tạo mọi điều kiện phát triển trong thời gian tới. Tổng Bí thư từng nói, nếu doanh nghiệp nào làm tốt thì có thể tặng thưởng huân chương, danh hiệu anh hùng. Không có sự phân biệt kinh tế tư nhân.

Về điện ở vùng sâu vùng xa thì chúng ta đã có gần 99% số xã và 98% số thôn đã có điện lưới quốc gia. Đây là cố gắng lớn của các cấp các ngành, điện lực Việt Nam, nhưng vẫn còn một số bản làng xa xôi chưa có điện lưới quốc gia. Ở đây có thể dụng hình thức khác như điện mặt trời, thủy điện nhỏ. Chúng ta có nguồn để phát triển lưới điện cho vùng sâu vùng xa. Sắp tới sẽ phát triển để phủ kín điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Về công tác cán bộ, hôm qua có ý nói là quyết định của Thủ tướng từ 2003 mà còn sử dụng là quá chậm trễ. Bộ Nội vụ cũng đã thẳng thắn nhận tồn tại này và sẽ sớm trình Thủ tướng văn bản thay đổi. Tôi tin rằng lời hứa của Bộ trưởng sẽ thực hiện để thay đổi. Trước mắt là thực hiện tốt về quy trình 5 bước về bổ nhiệm cán bộ. Sẽ có sự thay đổi lớn về công tác cán bộ, đánh giá cán bộ, bổ nhiệm đề bạt cán bộ.

Về vấn đề quy mô GDP. Nếu tính theo quy mô mới thì sẽ tăng 25,5%. Tính này chỉ áp dụng cho sau 2020 chứ không phải tính ngay bây giờ, không phải là bệnh thành tích đâu. Báo cáo hiện nay là số liệu cũ. Việc đánh giá lại quy mô GDP là thông lệ quốc tế. Tính lại theo thông lệ quốc tế, mời Quỹ tiền tệ quốc tế, Liên hợp quốc cùng đánh giá. Chúng ta hiện thất thu về thuế rất lớn. Ở nước ngoài mua cái ốc vít, cái tăm cũng có hóa đơn, còn ở Việt Nam có khi mua xe máy cũng không có hóa đơn.

08/11/2019 16:36

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Yến về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc nói độc lập, tự chủ trong nền kinh tế hội nhập nhưng không có nghĩa là chúng ta đứng một mình một chợ. Nhưng chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, nền kinh tế ấy phấn đấu có khả năng chống chịu những biến đổi những cú sốc của nền kinh tế thế giới.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Ví dụ như từ một nước thiếu ăn, ăn toàn bo bo, mua tem phiếu thì đến nay xuất khẩu nông nghiệp trên 4,2 tỷ USD. Điều đáng mừng nhất là chúng ta giảm diện tích năm trăm nghìn ha lúa gạo để chuyển sang các loại cây có hiệu quả cao hơn. Chúng ta có một nền kinh tế liên tục tăng trưởng, đặc biệt là vĩ mô ổn định, tài chính, tiền tệ tốt, nhất là lạm phát thấp. Chúng ta cũng đa dạng hoá, đa phương hoá mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập một thị trường một quốc gia nào.

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục đa dạng hoá thị trường, tạo tiếng nói với quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu hiệu lực, kịp thời, chất lượng hơn nữa và đặc biệt là các cân đối lớn của nền kinh tế, mở rộng mô hình tăng trưởng, áp dụng tiến bộ của công nghệ, của một nền kinh tế dựa trên trí thức để phát triển để đảm bảo hiệu quả.

08/11/2019 16:42

Về ý hỏi liên quan đến phát triển văn hóa có tầm chiến lược để phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, điều này rất cần thiết. Để phấn đấu thành một cường quốc kinh tế thì phải trở thành một cường quốc văn hoá.

"Việt Nam đã có trên 4 nghìn năm lịch sử, có sức mạnh nền tảng rất lớn của dân tộc. Đoàn kết thống nhất là một nét văn hóa quý giá của người Việt Nam. Bác Hồ từng nói đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - thành công, thành công, đại thành công. Đặc biệt có nhiều lễ hội tốt để phát huy truyền thống của dân tộc. Chúng ta cũng có rất nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Không phải đất nước nào, dân tộc nào cũng có được nền văn hoá như thế .

Tất nhiên, chúng ta thấy nhiều tồn tại, bất cập khuyết điểm trong quản lý nhà nước về văn hoá. Một số cuộc vận động chưa thành nề nếp, thu hút đầu tư chính sách về giữ gìn phát triển văn hoá chưa được quan tâm, nhất là đầu tư nhân văn hoá còn ít; một số văn hoá truyền thống làng nghề bị mai một. Chúng ta không chấp nhận tình trạng Văn hoá Việt Nam nhờ nhờ, kém văn hoá. Không có một nền văn hoá lai căng; phải giữ gìn văn hoá của đất nước để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc chúng ta qua 4.000 năm lịch sử. “Bác Hồ nói một câu rất nổi tiếng. Mỗi người chúng ta phải nhớ đó là “Văn hoá soi đường quốc gia”. Câu nói này đã nói lên tầm quan trọng của văn hoá.

Chính vì vậy mà Chính phủ thảo luận nhiều giải pháp, trong đó có định hướng, giải pháp sắp tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý văn hoá, bỏ cái tư duy không quản lý được thì cấm, rồi xây dựng ngành công nghiệp cạnh tranh với toàn cầu, chấn chỉnh lệch lạc về văn hoá, nhất là truyền thống giáo dục về văn hoá, giáo dục từ nhỏ có văn hoá có đạo đức, đó là biết lịch sử dân tộc.

Theo chương trình, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn để báo cáo làm rõ những vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trước đó, trong phiên chất vấn các đối với 4 bộ trưởng, nhiều đại biểu cũng đã chuyển những câu hỏi và đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ.

Đơn cử như đối với vấn đề thoái vốn ở các công ty cung cấp nước sạch, nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ nỗi lo ngại. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Song gần đây, có tình trạng thoái vốn đến 100% ở các công ty cung cấp nước sạch, gây nhiều lo lắng, nguy cơ về an ninh nguồn nước.

“Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công Thương cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này”, ông Nghĩa đề nghị.

Về vấn đề kinh tế, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu với kinh tế thế giới, trong đó có việc thực hiện các Hiệp định thương mại đã ký kết. Việc này đồng nghĩa với việc phải cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường trong khi hàng rào kỹ thuật chưa được quan tâm xây dựng.

Từ đó, sản phẩm hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản có nguy cơ thua trên sân nhà. Vì thế, cùng với việc chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương , ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cũng đề nghị Thủ tướng trả lời về nội dung này.

MỚI - NÓNG