Thủ tướng: 'Kẻ đẩy, người kéo' thì khó phát triển đất nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
TPO - “Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước. Do đó, những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam, sáng 20/12.

Cho rằng hội nhập thời gian qua đạt một số kết quả khả quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

“Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước. Do đó, những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh.

Khẳng định, Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. “Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển”, Thủ tướng nói và dẫn chứng, thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn, vì nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam..

Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế. “Không có quyết tâm cao, không có hành động cụ thể, không triển khai đến nơi đến chốn, chúng ta nửa vời thì chúng ta thất bại”.

Trong khi đó, ông  Vũ  Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh thì cho rằng, hội nhập là quan trọng nhưng phương thức hội nhập còn quan trọng hơn. Hội nhập cần đi đôi với năng lực sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.

“Ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực rất cần thiết, mượn ngoại lực chúng ta có thể đi được một quãng đường, nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào nội lực”, ông nói đồng thời cảnh báo thực tế mà các cơ quan quản lý cần chú ý là việc “chúng ta cứ hăm hở xuất khẩu, còn thị trường trong nước đa số lại bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh”.

MỚI - NÓNG