Thủ tướng Hungary Viktor Orban đăng bức ảnh ông gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại biệt thự Mar-a-Lago. (Ảnh: X) |
Đây là chặng dừng chân mới nhất trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Hungary nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Ông Orban đã đến Kiev, Mátxcơva và Bắc Kinh trong 2 tuần qua để thực hiện điều mà ông gọi là “sứ mệnh hòa bình”, bất chấp sự khó chịu của các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Vinh dự đến thăm cựu Tổng thống Donald Trump tại Mar-a-Lago. Chúng tôi đã thảo luận những biện pháp đạt được hòa bình. Tin tốt cho hôm nay: Ông ấy sẽ giải quyết được!”, ông Orban viết trong đoạn đăng trên mạng xã hội X.
Sáng kiến hòa bình của ông Orban gây khó chịu cho nhiều thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), khi Hungary đang đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của EU.
Ông Orban đến Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh NATO do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì.
Hình ảnh cuộc gặp của Thủ tướng Hungary Orban với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Viory) |
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói với Reuters rằng, Hungary tin nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ làm tăng hy vọng hòa bình cho Ukraine, và ông Orban hy vọng có thể kết thúc cuộc xung đột thông qua đối thoại hòa bình với sự tham gia của cả Nga và Ukraine.
Ông Trump trước đó tuyên bố có thể sớm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các cố vấn của ông được cho là đã soạn kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột, một phần bằng cách áp điều kiện với viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã gạt bỏ mong muốn của ông Orban về vai trò kiến tạo hòa bình.
Khi được hỏi về nỗ lực dàn xếp của ông Orban, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói rằng Ukraine sẽ quan ngại một cách chính đáng về bất kỳ nỗ lực nào nhằm đàm phán thỏa thuận hòa bình mà không có sự tham gia của Kiev.
“Những gì đang diễn ra mà không có sự đồng thuận hay ủng hộ của Ukraine đều không phù hợp với chính sách của chúng tôi, chính sách đối ngoại của Mỹ”, ông Sullivan nói.
Hai nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters rằng các đồng minh trong NATO phẫn nộ với hành động của ông Orban xung quanh thượng đỉnh ở Washington, nhưng nhấn mạnh rằng ông vẫn chưa ngăn cản kế hoạch của NATO với Ukraine. Nhiều nhà lãnh đạo EU cũng nói rõ ràng rằng, ông Orban không đại diện cho liên minh trong các cuộc thảo luận của ông về Ukraine.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 9/7, ông Orban nói rằng Trung Quốc đóng vai trò chìa khóa để “tạo điều kiện cho hòa bình” giữa Ukraine và Nga.
Hungary cũng không đồng ý với chính sách của các thành viên NATO đối với Trung Quốc, khi liên minh này gọi Bắc Kinh là “bên tạo điều kiện chính” cho Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine và gây đe dọa cho an ninh.
Trong phát biểu ngày 10/7, Ngoại trưởng Szijjarto khẳng định Hungary không muốn NATO trở thành khối “chống Trung Quốc” và sẽ không ủng hộ điều này.