Từ ngày 27-30/6, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn đầu Đoàn kiểm tra số 3 của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra công tác tổ chức thi tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá. Đoàn kiểm tra nhận thấy hầu như không có sai sót đáng kể, cảm thấy khá yên tâm ở tất cả các khâu, từ in sao đề thi đến chuẩn bị cho địa điểm thi, dự phòng các phương án cho việc vận chuyển đề thi…
Học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh vẫn tranh thủ ôn thi sát ngày thi. Ảnh: Nghiêm Huê |
Ông có những lưu ý gì cho các địa phương đối với các khâu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới?
Ở địa phương nào tôi cũng nhấn mạnh vấn đề trọng yếu là đề thi, dù các địa phương đều đã làm tốt, có kinh nghiệm nhiều năm, chưa năm nào xảy ra sự cố. Các sai sót khác có thể tầm ảnh hưởng không quá lớn, nhưng đề thi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng ảnh hưởng đến kỳ thi trên toàn quốc. Vì vậy, việc nhắc nhở là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thiết bị công nghệ ngày càng phát triển tinh vi.
Tôi cũng nhấn mạnh, thiết bị dù có hiện đại đến đâu thì con người vẫn giữ vai trò cốt yếu. Khi cán bộ làm công tác thi được quán triệt tinh thần coi thi nghiêm túc thì sẽ không để những chuyện đáng tiếc xảy ra. Với thí sinh cũng vậy. Nhiều khi các em chỉ có suy nghĩ giản đơn là gian lận để có lợi cho mình, không nghĩ hành vi nhỏ đó sẽ gây hậu quả lớn.
Công tác tập huấn đối với cán bộ coi thi, cần tuyên truyền cặn kẽ cho đến trước giờ vào phòng thi cho thí sinh. Vì khi đó, tác dụng đánh vào tâm lý thí sinh là tốt nhất. Các thí sinh nếu có ý định gian lận sẽ từ bỏ. Đồng thời, cán bộ coi thi phải tuyên truyền làm sao để thí sinh hiểu là, khi đưa đề ra ngoài hoặc có hành vi gian lận đề thi, thì đó không đơn thuần là vi phạm quy chế, mà trở thành phạm tội hình sự.
Phải có các phương án dự phòng
Từ kinh nghiệm rút ra hằng năm, những người làm công tác coi thi năm nay cần phải lưu tâm những vấn đề nào nữa, theo ông?
Như tôi đã nói ở trên, quan trọng nhất là vấn đề con người. Do đó, cần phải có các phương án dự phòng, tính các tình huống xấu có thể xảy ra. Đây là bài học năm nào cũng có. Người làm công tác coi thi phải nắm vững quy chế, không sáng tạo. Tôi cũng đã nói khi đi kiểm tra tại các địa phương, đó là về nguyên tắc, các yêu cầu đặt ra không mới.
Hằng năm, Quy chế đều có những điều chỉnh dựa trên những kinh nghiệm, bài học được rút ra qua mỗi kỳ thi để làm tốt hơn. Trong quá trình coi thi, phải làm việc hết sức nghiêm túc.
Việc phát hiện thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi là khó vì chúng ta không có đầy đủ thiết bị ở tất cả các điểm thi trên cả nước để kiểm tra, vô hiệu hoá tín hiệu nhưng nếu coi thi nghiêm túc, thí sinh khó có cơ hội sử dụng được.
Với lực lượng thanh tra từ các trường đại học, ông có nhắn nhủ gì?
Đội ngũ giảng viên, cán bộ từ các trường đại học đến các địa phương làm công tác thanh kiểm tra với một tâm thế trách nhiệm khác. Họ không phải là những người trực tiếp thực hiện các công việc của khâu coi thi, chấm thi, nhưng họ có vai trò giúp các điểm thi, các địa phương nhìn ra được các vấn đề ở góc nhìn khác. Từ đó giúp công tác coi thi, chấm thi ở các địa phương khách quan, đáng tin cậy.
Cảm ơn ông!