Công ty vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông lỗ nặng
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2022, do Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vận hành khai thác.
Hiện đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại.
Lượng khách sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tăng dần qua từng tháng (Ảnh: H.Việt). |
Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy, sau 22 tháng khai thác thương mại (tính tới hết tháng 8), đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được gần 16 triệu lượt khách, bình quân khoảng 30.000 lượt khách/ngày. Trong đó, đa số khách sử dụng vé tháng (khoảng 60%), riêng giờ cao điểm tỷ lệ khách sử dụng vé tháng lên tới 80% (doanh thu từ vé tháng năm 2022 đạt hơn 66 tỷ đồng).
Tổng doanh thu từ bán vé mang lại cho Hanoi Metro gần 120 tỷ đồng. Trong đó, hai tháng cuối năm 2021 tuyến đường sắt này vận chuyển hơn 870.000 lượt khách, doanh thu hơn 5 tỷ đồng; năm 2022, lượng khách đi tàu tăng lên hơn 8,2 triệu lượt, doanh thu hơn 66 tỷ đồng; trong 8 tháng năm nay, vận chuyển hơn 6,7 triệu lượt khách, doanh thu gần 48,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Hanoi Metro, tính tới hết tháng 6 năm nay, công ty có tổng tài sản hơn 3.077 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 52 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), tất cả nợ này đều là nợ ngắn hạn. Do đó, công ty đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng (giảm 8 tỷ đồng so với đầu năm); lỗ sau thuế luỹ kế hơn 28 tỷ đồng.
Thông tin mới về số phận các ngân hàng yếu kém
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.
4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu, gồm: DongABank, CBBank, OceanBank, GPBank. |
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với một ngân hàng mua bắt buộc còn lại.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và Ngân hàng Nhà nước đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.
Đề xuất cắt vốn dự án đầu tư công đang 'bất động'
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 8 tháng, ước thực hiện 9 tháng kế hoạch năm. Theo đó, ước thanh toán tiền vốn giải ngân đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 363.310,6 tỷ đồng, tương đương 47,75% kế hoạch.
Một dự án xây trường học bằng vốn đầu tư công dở dang rồi bỏ hoang tại Ninh Bình. (Ảnh BNB). |
Có 12 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (69,65%), Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,06%), Đồng Tháp (79,36%), Long An (74,98%), Tiền Giang (77,84%).
29 bộ và 3 địa phương giải ngân được dưới 30% kế hoạch vốn. Trong đó, có 17 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%. Đặc biệt, có tới 109 dự án tại 41 địa phương chưa giải ngân, có 57 địa phương còn nhiều dự án giải ngân dưới 10%.
Theo Bộ Tài chính, các nguyên nhân khiến giải ngân chậm gồm: chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; vướng mắc trong giao đất, chuyển đổi đất rừng mất nhiều thời gian.
Chủ tịch, CEO Tập đoàn Đất Xanh đồng loạt bán cổ phiếu
Hai lãnh đạo cấp cao của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) vừa có báo cáo bán ra cổ phiếu. Theo đó, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DXG - đã bán 20 triệu cổ phiếu DXG như đăng ký trước đó.
Ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đất Xanh - đã bán 20 triệu cổ phiếu DXG. |
Sau giao dịch, ông Lương Trí Thìn hạ sở hữu tại DXG xuống còn 105 triệu cổ phần, tương đương 17,15% vốn điều lệ. Giao dịch thực hiện giai đoạn 11 - 25/9. Trong giai đoạn trên, thị giá DXG dao động 19.300 - 23.100 đồng/cổ phiếu. Tính theo thị giá, lượng cổ phiếu ông Thìn bán ra trị giá khoảng 386 - 462 tỷ đồng.
Mục đích bán cổ phiếu của ông Thìn nhằm hỗ trợ công ty vay vốn. Theo nghị quyết hội đồng quản trị ngày 5/9, Đất Xanh chấp thuận việc ông Lương Trí Thìn hỗ trợ cho công ty vay vốn tối đa 300 tỷ đồng. Thời hạn vay tối đa 6 tháng, lãi suất 6%/năm. Số tiền vay dùng bổ sung vốn hoạt động kinh doanh của Đất Xanh.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Đức - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Đất Xanh - cũng bán 430.746 cổ phiếu DXG từ ngày 7 - 26/9. Ông Đức hạ sở hữu xuống còn 0,08% vốn điều lệ Đất Xanh, tương ứng với 500.000 cổ phiếu DXG.
Hoàng Anh Gia Lai lấy tiền đâu để trả nợ?
Ngày 27/9, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) công bố nghị quyết và biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, liên quan đến việc chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Biên bản kiểm phiếu cho thấy tất cả tờ trình đều được thông qua.
Nhà đầu tư tham gia là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số lượng dưới 100 người. Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết, thời gian chào bán ngay sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu thành công, Công ty dự kiến thu về 1.300 tỷ đồng.
Số tiền kể trên sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho công ty con, thanh toán các khoản nợ của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai và công ty con. Trong đó, 323 tỷ đồng sẽ dùng thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do Hoàng Anh Gia Lai phát hành ngày 18/6/2012, 277 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản vay nợ tại TPBank cho công ty con là Công ty CP Gia súc Lơ Pang, 700 tỷ đồng dùng bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai. Thời gian giải ngân dự kiến từ 2023-2024.
Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực
Tại họp báo diễn ra sáng ngày 27/9, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam - đánh giá, 2023 là năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam. Cầu bên ngoài yếu, cùng với sự phục hồi chậm của Trung Quốc ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Dù vậy, nền kinh tế vẫn trụ vững nhờ tiêu dùng nội địa mạnh được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024. |
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4 năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Mặc dù dự báo tăng trưởng của Việt Nam có sự điều chỉnh giảm so với hồi tháng 4/2023, nhưng mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sang đến năm 2024, với dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6%, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines (6,2%). Dự báo lạm phát cũng giảm xuống, có thể ở mức 3,8% năm 2023 và 4% năm 2024.
Sẽ chuyển toàn bộ nhân sự, nợ gần 3 triệu USD của A0 về Bộ Công Thương
Toàn bộ các nhân sự và hai khoản vay lại vốn ODA lên tới gần 3 triệu USD của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ được chuyển nguyên trạng từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sau đó là Bộ Công Thương khi đã hình thành, công ty TNHH 100% vốn nhà nước.
Toàn bộ nhân sự và 2 khoản nợ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sau khi được tách khỏi EVN sẽ được chuyển về Uỷ ban quản lý vốn và sau đó là về Bộ Công Thương. |
Đây là đề xuất được đưa ra tại dự thảo quyết định của Thủ tướng vừa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn tất về tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN để thành lập công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sau khi tách khỏi EVN sẽ trở thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) 100% vốn nhà nước với vốn điều lệ 776 tỷ đồng. Công ty sẽ cung cấp dịch vụ điều độ và điều hành giao dịch thị trường điện và thực hiện thu, chi phí mua dịch vụ điều độ, điều hành giao dịch thị trường điện và lợi nhuận định mức từ EVN thông qua cơ chế hợp đồng cung cấp dịch vụ. Cách xác định các chi phí sẽ do Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn.
Theo tính toán của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi hoạt động độc lập, NSMO có 630 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 146 tỷ đồng tại các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường phát điện cạnh tranh chưa được quyết toán và đang đầu tư năm 2023. Tổng mức vốn điều lệ 776 tỷ đồng là đủ để đảm bảo A0 sau khi tách khỏi EVN hoạt động bình thường, vận hành ổn định, liên tục và không ảnh hưởng tới các dự án đầu tư dở dang năm 2023.