> Trở lại thủ phủ đá đỏ Qùi Châu: Máu và nước mắt (1)
> Báu vật rừng với những cuộc chiến ngầm
Ám ảnh đồi Tỵ
“Làm thịt” xong đồi Nứa, đồi Triệu, dòng người túa đến vây kín đồi Tỵ. “Đó là quả đồi chứa nhiều đá đỏ nhất, và số người chết vì sập hầm cũng cao nhất!”, một người dân Châu Bình giờ nhớ lại.
Sau khi cày nát bề mặt quả đồi, hàng nghìn người tìm cách chui vào lòng đất tìm hồng ngọc. Những đường hầm sâu hàng chục mét, vừa đủ để một người chui vào chui ra giăng khắp nơi. Trong vòng vài tháng, đồi Tỵ bị khoét rỗng ruột, đường hầm trong lòng đất chằng chịt như tổ mối.
Đồi Tỵ, nơi đã vùi chôn hơn 70 phu đá xấu số. ảnh: Quang Long. |
“Một buổi chiều, cha con tôi đang ở nhà bỗng nghe tiếng chân chạy thình thịch ngoài đường. Sập hầm! Chết nhiều lắm! Ai đó hét lên thất thanh”, ông Đỗ Văn Hiệp kể.
Hầm, hố nhan nhản lẫn trong màu đất đỏ quạch. Thảng hoặc, tiếng chim vẳng lên thương cảm, tiếng chim đơn lạnh như tiếng gọi hồn của hơn 70 phu đá xấu số. |
Nửa quả đồi Tỵ bị cắt đứt chân, phủ phục xuống, chôn vùi hơn 70 phu đá. Những người sống sót bỏ chạy thục mạng. Khung cảnh hết sức hỗn loạn. Một số nạn nhân được moi lên từ hố sâu, bê bết bùn đất. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì thiếu phương tiện máy móc hỗ trợ. Năm đó học PTTH ở Vinh, nghe tin Nguyễn Văn Hợp, bạn cùng lớp cấp 1, cấp 2 Trường PTCS Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tử nạn vì đi đào đá đỏ, hầm sập.
Vài ngày sau vụ tai nạn thương tâm, thi thể của 40 nạn nhân được tìm thấy, mang ra quốc lộ 48 chờ người thân đến nhận diện đưa về quê mai táng. “Người chết nằm la liệt bên lề đường, bên trong quả đồi còn nhiều người bị chôn vùi, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác!”, một người dân Quỳ Châu cho biết. Sau vụ tai nạn ở đồi Tỵ, hàng loạt phu đá đỏ thất kinh, tháo chạy khỏi Châu Bình.
Của thiên, trả địa
Vợ chồng ông Hiệp sinh con gái út, đứa bé ra đời ngay trên mảnh đất đá đỏ ẩn tích, ông đặt tên là Hồng Ngọc. Từ khi đào được viên đá quí, bán được 19 triệu đồng, ông thôi không làm phu đá nữa mà chuyển sang kinh doanh đá đỏ. Mua tận gốc với giá rẻ, ông Hiệp đem số hàng thu gom được bán lại cho tư thương.
“Trong vòng hơn một năm, tôi bỗng giàu lên. Hồi đó tôi thu về toàn tiền mệnh giá 5.000 đồng, có hôm tiền chất đầy mấy bao tải, tôi cất bao tải tiền dưới gầm giường!”, ông Hiệp kể. Vợ ông, bà Kim Thị Tâm chuyên nấu mì tôm bán cho đám thợ và khách qua đường. Những năm đá đỏ lên cơn “sốt xình xịch”, mì tôm cũng đắt như tôm tươi. Từ đá đỏ, mì tôm, đôi vợ chồng nghèo có của ăn, của để.
Chợ Tôm từng là nơi diễn ra những cuộc mua bán đá đỏ, giờ thưa vắng. |
Nhưng đồng tiền làm ra quá dễ, thường đến ngay đấy mà cũng đội nón ra đi ngay đấy. “Nhiều tiền, tôi nhảy vào lô đề. Ban đầu tôi đánh nhỏ, trúng vài lần, nhưng càng đánh lớn càng thua to. Cuối cùng tôi nhẵn túi, chẳng còn đồng nào. May mà trước khi “nướng” mấy bao tải tiền vào đề đóm tôi dành dụm được một ít xây nhà cho con!”, ông Hiệp tiếp chuyện. Tiền khô cháy túi, lại trở về với những năm tháng nghèo khó. Vợ chồng ông dựng lều quán bán hàng ăn bên quốc lộ 48 sống lần lần qua ngày, đoạn tháng.
Giai đoạn đỉnh điểm cơn sốt rubi, hồng ngọc rơi vào giữa năm 1991, khi các đại gia trong Nam, ngoài Bắc tràn về Quỳ Châu lùng sục mua đá đỏ. Trong cảnh hỗn loạn, xuất hiện đám cò mồi, chuyên đi môi giới đá đỏ và cũng sẵn sàng tham gia vào những phi vụ lừa đảo, khiến nhiều người vừa giàu sụ lên nhờ buôn bán đá quý rơi vào cảnh trắng tay, gia tài khánh kiệt.
Anh N.M. (nhân vật xin giấu tên) kể: “Khi đá đỏ đắt giá, tôi bán cả ngôi nhà, mảnh vườn của cha để lại, dồn tiền vào một thương vụ. Lô đá tôi mua ở đồi Tỵ với giá 300 triệu đồng, mang ra Hà Nội vào tháng 6 năm 1991 bán được 1,9 tỷ đồng. Số tiền lãi khủng đó mất hết ngay trong tuần sau. Một đám cò bí mật trà trộn vào đội quân phu đá ở đồi Tỵ, lén vứt xuống hầm một nắm đá giả. Chúng loan tin đồi Tỵ vừa trúng một lô đá cực đẹp, bán cho tư thương ở thị trấn Quỳ Châu với giá bèo. Nghe tin, tôi đánh đường lên phố núi, cố lùng sục bằng được. Dồn hết tiền vào cuộc mua bán này, tôi đưa đá về Vinh, chắc mẩm rằng mình sẽ thu về dăm tỷ đồng trong tay. Nào ngờ, những viên đá nhỉnh hơn hạt ngô, màu đỏ như huyết bồ câu và không một tỳ vết ấy là đá công nghiệp. Tôi chết lặng!”.
Vợ chồng anh Lê Văn Hải từ xuôi lên định cư ở Quỳ Châu. Vợ buôn bán lặt vặt, chồng làm nghề rừng, thu nhập vào diện bình dân. Đá đỏ lên ngôi vương, anh Hải bỏ rừng đi buôn, vài vụ trúng lớn, bỗng phất lên như diều gặp gió. Một ngôi nhà tầng đột ngột nhô lên giữa miền rừng hẻo lánh, lác mắt bao người. Có tiền, anh Hải về Vinh mua đất, tậu nhà. Được vài năm, vị đại gia Quỳ Châu bỗng nhiên đột tử, để lại vợ góa con thơ.
“Dường như, đá đỏ linh thiêng, là nước mắt là giọt máu của thần rừng, phất lên nhờ đá đỏ chẳng mấy người giữ được của nả. Hầu hết, khi cơn sốt đá đỏ hạ nhiệt, sập hầm, cảnh hỗn loạn ở Châu Bình chấm dứt thì cũng là giai đoạn các đại gia đá đỏ khuynh gia bại sản. Kẻ tử nạn, người trắng tay!”, người có thâm niên khai thác đá đỏ ở Châu Bình ngậm ngùi.
Thủ phủ đá đỏ bây giờ
Tháng 5, mặt trời thiêu đốt, trận nắng nóng kỷ lục giội xuống Quỳ Châu- một trong những nơi được mệnh danh là “Lò lửa Đông Dương” khiến đồi Tỵ, đồi Triệu, đồi Nứa ở Châu Bình càng thêm trơ trọi.
Tại trung tâm xã mọc lên một thị tứ khá “hoành tráng”, nhưng tuyệt nhiên sự sung túc ấy không phải nhờ rubi, hồng ngọc mang lại. Chỉ những người dân lao động chân chất một nắng hai sương nơi miền rừng mới giữ được nhịp sống hiền hòa, bền lâu.
Quay ngược lại đường 48 xuôi về ngã ba Săng Lẻ chừng dăm cây số là bản Bình Ba (hay còn gọi là bản Cô Ba), thủ phủ đá đỏ một thời. Chợ Tôm, ngôi chợ sầm uất, nơi rộn ràng những cuộc mua bán đá quý giờ chỉ còn lác đác dăm căn nhà. Lối vào đồi Tỵ hun hút, không một bóng người. Triền đồi bây giờ vẫn lưu lại vết tích của trận càn quét đá đỏ của ngàn vạn phu đá hơn 20 năm trước.
Một bữa cơm bình dị của người dân xã Châu Bình. Ảnh: Ngọc Lan. |
“Người dân Châu Bình nghèo vẫn hoàn nghèo, chẳng ai khá lên vì đào được đá đỏ!”, một cư dân bản địa cho biết. “Bão” đá đỏ tràn qua, đồi núi xơ xác, tan hoang. Dòng người hỗn tạp, với đủ mọi thành phần kéo đến Châu Bình trong những năm 90 không chỉ phá vỡ không gian văn hóa miền Tây Bắc xứ Nghệ, mà còn kéo theo bao tệ nạn, làm khánh kiệt tài nguyên đá đỏ- loại đá quý chỉ phát lộ duy nhất ở Quỳ Châu.
Cựu phu đá đỏ, cũng là một đầu nậu buôn đá quý trong những ngày hồng ngọc lên ngôi vương, ông Đỗ Văn Hiệp bảo: “Bản Bình Ba có gần 200 hộ gia đình, phần nhiều là dân nghèo và nhiều hộ không có đất sản xuất”.
Tôi hỏi tại sao, ông Hiệp nói: “Nhiều lô đất về tay người có tiền, có vốn. Không có việc làm, thanh niên phải rời bản làng đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Chặt keo, bốc vác cây nguyên liệu, mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng/người nhưng công việc không thường xuyên. Mấy người đi chặt mía thuê thì kiếm được mỗi ngày dăm bảy chục ngàn đồng”.
Rồi ông nhìn ra quốc lộ hun hun nắng gió, điểm danh những người nghèo kiệt nơi này: “Chị Loan cạnh nhà tôi chồng mất, không có con, hàng ngày chị phải đi làm thuê nuôi mẹ già 76 tuổi và con của em gái; anh Kim Văn Đức bị tai biến não, phải bán cả trâu bò lấy tiền chữa bệnh; gia đình anh Đỗ Văn Phương, Đỗ Văn Hải cũng nghèo triền miên”...
“Nổi lên ở Châu Bình những năm đó có 3 loại. Thứ nhất, các “trùm” buôn bán hồng ngọc; thứ hai, các “đầu nậu” cai quản phu khai thác đá đỏ và thứ 3 là các “đầu gấu”. Khi nạn đá đỏ được dẹp yên, thì cũng là lúc những người từng nổi đình nổi đám ở thủ phủ đá đỏ có lụi tàn. Người thì phiêu bạt vào Nam kiếm sống, kẻ bị bắt vì hành vi buôn lậu, người đổ bệnh, đột tử...Chỉ những người dân chân chất, lao động chân chính mới có tương lai ổn định, bền lâu”. Phó GĐ Công an tỉnh Nghệ An, đại tá Nguyễn Hữu Cầu, nguyên Trạm phó Trạm CSND vùng kinh tế đặc biệt đóng tại Châu Bình |