> Chân dung thủ phạm vụ trộm tranh tiền tỷ tại TP HCM
> Mười vụ trộm tranh nổi tiếng nhất lịch sử
7 bức tranh quý bán 3 triệu đồng
Báo Tiền Phong đăng tin về vụ hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền bị trộm tranh, có ảnh thủ phạm Đỗ Xuân Diệu mặt dễ coi, cười tươi như hoa.
Số là nhân hoạ sỹ bay ra Hà Nội dự triển lãm tranh của con gái, thợ sơn mài Đỗ Xuân Diệu, người được bà tin tưởng giao trông coi cửa hàng, đã cuỗm 7 bức sơn mài cùng nhiều đồ giá trị giá trên 1 tỷ đồng rồi “im thin thít, lặn mất tăm”.
Trộm tranh và đồ rồi chạy trốn bằng ô tô, sau khi tự thú Diệu cùng người nhà hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền vào TPHCM bằng máy bay để “khắc phục hậu quả”, cùng với cơ quan công an truy tìm lại những bức tranh và đồ vật đã bị lấy cắp và bán đi. |
Hà Nội sáng mùa đông lạnh, Đỗ Xuân Diệu ngồi thu lu trong góc bàn ngôi nhà số 35 ngõ 424 đường Trần Khát Chân.
Diệu bắt xe từ Hải Phòng đến đây để “xưng tội” với bà Hiền – người cũng vừa bay từ TPHCM ra. Gương mặt Diệu xám ngoét vì lạnh, vì sợ, hay vì nghiện?
Trước mặt có ba gói thuốc lá Thăng Long màu vàng, Diệu mệt mỏi: “Em nghiện hút cả năm nay, cũng vì theo chúng bạn chơi bời rồi dính vào không bỏ được. Em làm cho bác Hiền thu nhập cả lương, thưởng một tháng gần 7,8 triệu đồng nhưng không đủ hút hít. Mỗi ngày em làm vài “bi”, mỗi “bi” cũng phải hai trăm rưỡi đến ba trăm nghìn đồng. Lúc lên cơn vật, kiểu gì cũng phải tìm mọi cách xoay tiền”.
“Xoay bằng cách nào?”.
“Em trông coi kho đồ mỹ nghệ của bác Hiền, lúc nào lên cơn vật thuốc lại lấy một món đi bán. Có những đồ trị giá 2.000-3.000 USD em bán có 300 nghìn đồng, miễn sao có “hàng trắng” dùng”. “Lấy đồ nhiều lần chưa?”. “Nhiều, em đã viết trong bản tường trình”.
Tôi cầm bản tường trình của Diệu, chữ xấu và sai chính tả nhiều: “Từ cuối tháng 2 năm 2012 tôi vào TPHCM để làm thợ sửa chữa đồ sơn mài cho bác Nguyễn Thị Hiền. Trong thời gian làm việc cho bác ấy, tôi có lấy một số đồ đi bán. Lần 1, tôi lấy cuốn thư đen mang bán cho ông Bình ở phố Lê Công Kiệu với giá 5.200.000 đồng; Lần 2 tôi lấy cuốn thư nhiều chữ nhỏ (đồ cũ) sơn son bán cho chị Châu ở phố Lê Công Kiệu giá 7 triệu... Lần 8, lấy một hoành phi 4 chữ vàng bán cho chị Châu ở địa chỉ như trên được 3.000.000 đồng...”.
Số lần mà Diệu lấy cắp được liệt kê rất nhiều, chốt lại: “Trên đây là tất cả các đồ và giá tiền tôi đã bán mà tôi nhớ được. Tổng cộng là: Bảy mươi triệu năm trăm ngàn đồng. Đây là những món đồ tôi nhớ được. Nếu thiếu sót gì thì sau khi theo bác Hiền vào Sài Gòn tôi sẽ tiếp tục nhớ và bổ sung sau”.
Số hiện vật có giá trị lớn hơn nhiều số tiền mà kẻ nghiện hút này thu về và kê ra như trên. Bởi một khi đã lên cơn vật thuốc thì những vật rất có giá trị, hàng nghìn USD cũng chỉ đổi ngang một tép “hàng trắng”.
Ví dụ, 7 bức tranh do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ, Diệu bán 3 triệu đồng. Đặc biệt, kẻ này đã thực hiện trót lọt việc ăn trộm nhiều lần từ trước đó, và chỉ bị phát giác vào tháng 11 vừa qua.
Khi kẻ trộm ăn năn
Kể về lần trộm 7 bức tranh sơn mài mới đây nhất, Diệu nhớ từng chi tiết: “Em rút ổ cắm camera, ôm 5 bức lớn và 2 bức bé ra khỏi nhà. Người mua tranh dặn em nên lấy tranh sơn mài, và nếu lấy đồ đồng thì chọn đồ đồng nhẹ. Em bán 7 bức được 3 triệu đồng.
Người mua tranh cũng biết đây là tranh ăn cắp. Ông ấy chỉ ở nhà gọi điện cho em để dặn dò chứ không dám đến cửa hàng để chọn hàng.
Có vài bức tranh em đã để lên xe máy để đi bán nhưng dọc đường em nghĩ những bức này bác Hiền rất quý, nếu mà mất chắc bác sẽ buồn nên lại chở trả về chỗ cũ.
Vì thế sau này trên camera, bác Hiền xem thấy có những bức em bê ra lại bê vào. Lúc đó, em vẫn tỉnh chưa lên cơn vật thuốc, nên còn biết nghĩ”.
Chiếc máy ảnh 2.500 USD của Jeremy, bạn người Mỹ của gia đình, Diệu bán chưa đầy 10 triệu đồng. Với tổng số tiền thu được, Diệu trả tiền “hàng trắng” còn nợ, còn 6 triệu thì mua vé xe về Hải Phòng hết 1 triệu, còn nữa theo lời kẻ nghiện hút này là để “mua thuốc cai”.
Tôi hỏi: “Trộm tranh xong nghĩ thế nào lại bỏ trốn?”. Diệu cúi gầm mặt: “Em không trốn, em chỉ về quê mua thuốc cai nghiện để tỉnh táo rồi sau đó gặp bác Hiền, em không muốn gặp bác Hiền trong tình trạng mệt mỏi”.
“Sao không mua thuốc cai ở Sài Gòn?”. “Vì ở Sài Gòn người ta bảo phải đăng ký với phường mới có thuốc cai. Em làm sao đăng ký với phường là mình nghiện được.
Em về Hải Phòng mua chui thuốc cai nghiện của những người nghiện nhưng không uống mà bán lại cho em. Vì họ bán lại, nên đắt lắm. Em mua thuốc cai hết tiền rồi, uống vào mới tỉnh táo như thế này”.
Diệu kể: Sau khi về Hài Phòng, nhận được tin em gái nhắn “anh lên báo rồi”, Diệu lên mạng Tienphong.vn đọc và lập tức toát mồ hôi dù trời đang rất lạnh, biết mình đang bị công an điều tra.
Sau đó, có lời khuyên của bà Hiền và hai người em, Diệu nhắn tin cho bà Hiền tự nguyện lên Hà Nội nhận tội.
22 tuổi, Diệu nói không muốn đánh đổi tương lai lấy số tiền ăn cắp. Diệu là con lớn trong gia đình có ba anh em, em gái học ĐH Hải Phòng, em trai học cao đẳng nghề, bố nuôi cá ngoài đảo Cát Bà, mẹ bị bệnh kinh niên nhưng cũng bán hoa quả kiếm thêm.
Tốt nghiệp cấp 3, Diệu học nghề sơn mài. Lúc đầu làm ở Hà Nội, sau được giới thiệu làm cho hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền. Lúc vào TPHCM thì đã mang theo cả những cơn vật thuốc mà bà Hiền và mọi người không ai biết.
Có câu “chớ nghe con nghiện trình bày” nhưng những gì Diệu viết trong bản tường trình cũng đầy vẻ ăn năn: “Sau khi về Bắc, tôi cảm thấy lương tâm bị cắn rứt, mình quá có tội với bác Hiền, bác ấy đã đối xử với mình rất tốt mà mình lại phụ lòng tin. Tôi đã tự liên hệ với bác và đã tự lên gặp bác tại Hà Nội. Chỉ vì một phút bồng bột thiếu suy nghĩ, ăn chơi sa đà quá mà tôi đã gây ra sự việc như hôm nay. Tôi rất hối hận và xin thành thật hợp tác với bác và mọi người để tìm lại số đồ trên mong phần nào khắc phục được lỗi lầm của mình”.