Dường như bất cứ ai mắc nợ với nàng thơ cũng đều trở nên khiêm tốn, và hiển nhiên cuộc đời họ cũng chẳng còn được bằng phẳng nữa, mà chỉ chực bị thơ xé lẻ ra với những khúc ngắt đột ngột, báo hiệu bao cơn giông tố trong lòng như tác giả Phạm Công.
Bẻ gãy cấu trúc thơ lục bát thông thường là thủ pháp nhà thơ tỏ ra ưa dùng để truyền vào tứ thơ của mình thêm gánh nặng của chất tự sự, chiêm nghiệm, triết lý sâu xa.
“Tôi thôi hết/ Chuyện đốn đời/ Trở về đây/ Sống/ Làm người/ Yêu em/ Bạc đầu/ Trong cuộc bon chen/ Cũng may/ Còn/ Một trái tim/ Vẹn tròn”. (Bắc Sơn).
Xuất thân là một người lính, người thầy, nhưng ngoài những hồi ức chiến tranh, cái thời tuổi trẻ oai hùng, hay bao trăn trở về cuộc sống, trong thơ tác giả Phạm Công luôn ẩn chứa bóng hình một người thiếu nữ đã từng nặng mối tương tư.
Có thể đó là một mối tình đẹp trong quá khứ mà chiến tranh đã chia rẽ, không thể se duyên, cũng có thể đó là một ảnh hình tượng trưng cho cái đẹp làm tâm hồn tác giả rung động vần thơ.
Nhưng nàng thơ của Phạm Công không thét gào, xa xót, mà chỉ đọng ở con chữ từng sự ray rứt, bồi hồi và nỗi buồn rất nhẹ.
Ray rứt vì biết là mình đã mất nhau, ray rứt vì trong tim vẫn còn nhớ tới nhau, rồi cũng chính ray rứt khiến ta càng trân trọng những gì mình có trong thực tại hơn.
“Chợt thấy bóng người giống em/ Đi lại phía Đền Quán Thánh/ Tôi rượt theo rồi sực tỉnh/ Trước đền đóng cửa lặng thinh”. (Trở lại đường Thanh Niên).
Xét cho cùng đó cũng chỉ là một ảnh hình vô thường giữa chốn trần ai đầy bể khổ này, và nó làm ta nhớ về, hồi tưởng lại những ký ức đau thương và đẹp đẽ của một thời trai trẻ.
Nhưng đâu chỉ là những xúc cảm, một mối tình đẹp còn khiến ta chiêm nghiệm, thông tỏ hơn những được mất của cuộc đời ngắn ngủi này.
“Em ơi, duyên phận chẳng thành/ Trăm dang nghìn dở thôi đành phận ta/ Kiếp sau xin biến thành hoa/ Lọc cay, chắt đắng, làm ra ngọt ngào”. (Kiếp sau).
Thế mới hay dù là ai hay ở tuổi nào chăng nữa, chữ “tình” vẫn luôn làm cho con người ta mềm lại, dịu dàng, đằm thắm hơn biết bao nhiêu.
(Nhân đọc tập thơ Lời Hoa Cúc của Phạm Công)