Thủ lĩnh quân nổi dậy Libya

Thủ lĩnh quân nổi dậy Libya
TP - Đã vài tháng nay, Mustafa Abdel Jalil, cựu Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền Gaddafi là thủ lĩnh của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya. Ông là ai, con người mà giờ đây gắn chặt với tương lai của Libya ấy?

Quân nổi dậy Libya lập chính phủ lâm thời

Cử nhân luật học, Tiến sĩ luật Hồi giáo Mustafa Abdel Jalil nhiều năm không hề được biết đến ở ngoài lãnh thổ Libya. Là thủ lĩnh Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp ở một nước đang diễn ra việc thay đổi chế độ, ông có thể trở thành nhân vật chính trị then chốt trong tương lai.

Sự nghiệp luật

Mustafa Abdel Jalil sinh năm 1952 ở thành phố Al Baida, miền đông Libya. Vào giữa những năm 70 thế kỷ trước, ông tốt nghiệp khoa Luật Đại học Tổng hợp Libya, được bổ nhiệm làm thư ký của ủy viên công tố tại thành phố quê hương. Sau đó, trong vòng 30 năm, ông làm quan tòa ở thành phố Al Baida và thủ đô Tripoli.

Tháng 1-2007, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Tư pháp Libya. Nhưng tại cương vị này, ông thể hiện mình không phải là một thủ hạ trung thành của ông Gaddafi, mà có quan điểm độc lập về pháp luật và lẽ công bằng.

Bộ trưởng khác thường

Năm 2009, Mustafa Abdel Jalil xác định là tại nhà tù Abu-Salima (nhà tù ở Tripoli nổi tiếng bởi những điều kiện giam giữ tù nhân khắc nghiệt) đang cầm giữ hơn 300 người mà không dựa trên cơ sở luật pháp nào. Đây được coi là một sự biểu thị thái độ rõ ràng với chính sách đối nội của ông Gaddafi.

Một năm sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Jalil lại một lần nữa đánh giá tình tình ở Abu-Salima, khẳng định rằng những người bị cầm giữ ở đây bị tước đoạt tự do một cách vô căn cứ và bởi vậy phải lập tức được thả. Phát biểu tại kỳ họp thường niên của nghị viện Libya được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia, ông Mustafa Abdel Jalil nói rằng việc giải phóng họ bị bộ máy nhà nước cản trở.

Vì vậy, năm 2010, Mustafa Abdel Jalil tuyên bố lập tức từ chức, nhưng không được ông Gaddafi chấp thuận. Ông trở nên nổi tiếng trên thế giới với tiếng thơm là người có chính kiến riêng và dám phát biểu công khai chính kiến đó. Tuy nhiên, ông khôn khéo để không có những đụng độ trực tiếp với ông Gaddafi.

Thủ lĩnh Hội đồng dân tộc chuyển tiếp

Mustafa Abdel Jalil dứt bỏ hoàn toàn quan hệ với chính quyền của ông Gaddafi vào tháng 2-2011, sau khi quân chính phủ bắn vào người biểu tình ở Benghazi - thành phố được coi là thành trì của những người chống chính phủ. Biểu thị sự phản đối, Mustafa Abdel Jalil rời bỏ chức vụ, gia nhập hàng ngũ những người nổi dậy và tham gia vào việc thành lập Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp.

Mustafa Abdel Jalil không phải là típ thủ lĩnh cách mạng xuất hiện trên các bức ảnh đang cầm AK nã đạn lên trời. Mấy tháng cuối đây, Mustafa Abdel Jalil trở thành nhân vật nổi bật trong hàng ngũ những người đối lập Libya và là người đại diện chính của họ trên trường quốc tế.

Vào tháng 3-2011, khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về việc lập vùng cấm bay ở Libya, thủ lĩnh phe đối lập Jalil đã yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ những người nổi dậy về quân sự. Vòng nguyệt quế cho những nỗ lực ngoại giao của Mustafa Abdel Jalil chính là chuyến thăm của ông tới Paris ngày 20-4. Tổng thống Pháp Sarkozy đã tiếp vị khách tại điện Élysée và tuyên bố công nhận Hội đồng chuyển tiếp dân tộc là chính quyền hợp pháp của Libya.

Chính quyền của ông Gaddafi treo giải tương đương 400.000 USD cho ai bắt được ông.

Cố gắng duy trì trật tự

Từ thời điểm quân nổi dậy tiến vào Tripoli, Mustafa Abdel Jalil cố gắng hết sức để duy trì trật tự xã hội ở thủ đô và yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc của một quốc gia có luật pháp sau khi lật đổ chính quyền của ông Gaddafi.

«Chúng tôi hy vọng sẽ bắt được Gaddafi còn sống để có thể xét xử ông ta tại một phiên tòa công khai trước mặt cả thế giới" - Thủ lĩnh Jalil tuyên bố ngày 22-8. Sau đó ông lưu ý những người cùng phe với mình về việc không thể để xảy ra chuyện trả thù những người ủng hộ ông Gaddafi. Để lời cảnh báo của mình có sức nặng, ông tuyên bố rằng trong trường hợp ngược lại, ông sẽ từ chức.

Lê Việt dịch
(Isnomi/Deutsche Welle)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.