Mỗi câu chuyện về Ái là mỗi giọt nước mắt của những người hàng xóm chân lấm, tay bùn. |
Quãng đời học sinh của Hoàng Minh Ái, trường THPT Lệ Thủy là những ngày mò cua, bắt ốc trên vùng đầm phá Hạc Hải ở làng An Xá, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Nếu không có sự nhiệt tình của mấy đứa trẻ chăn trâu với vẻ mặt đầy tự hào khi chúng tôi hỏi nhà “anh Ái học giỏi”, chúng tôi hẳn đã rất mất thời gian mới tìm ra nhà Ái. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu hun hút sau những con hẻm ngoằn ngoèo và chênh vênh bên phá Hạc Hải.
Ngay sân nhà, bà Dương Thị Hồng (mẹ của Ái) đang chăm chú lột da mấy con chuột. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên, bà ngượng ngùng đứng lên: “Mấy bữa ni thằng Ái cảm cúm, không ra đồng bắt cá được nên bố nó bắt tạm mấy con chuột quanh nhà để làm thức ăn cho ngày hôm ni. Thằng Ái thích món chuột kho sả lắm” - bà Hồng phân trần.
Dẫn chúng tôi vào nhà, bà Hồng vừa kể: “Trước khi thi, tui cho hắn tiền để mần hai bộ hồ sơ thi hai trường cho chắc ăn, nhưng hắn dứt khoát chỉ thi khối A, nói là để tiết kiệm. Hết môn cuối cùng, hắn khẳng định “Con sẽ đậu, ba mạ đừng lo!”. Ai ngờ hắn đậu thật, mà lại đậu luôn thủ khoa. Không riêng chỉ nhà tui mà cả xóm, cả làng ai cũng mừng!”.
Ái từ trong giường lồm cồm bò dậy khi thấy mẹ dẫn khách vào. Khuôn mặt gầy rộc, thân hình dong dỏng cao, Ái có vẻ rụt rè khi nói chuyện. Cậu là con út trong gia đình đông chị em. Mẹ là nông dân, bố nguyên là giáo viên, vì sức khỏe phải về theo chế độ 176. Cuộc sống của gia đình Ái trông chờ vào mấy sào ruộng sâu nằm ven phá Hạc Hải. Các chị thất học, đi lấy chồng sớm, Ái trở thành trụ cột gia đình vì ba đau ốm thường xuyên.
Suốt ngày ngâm mình trong nước của phá Hạc Hải để kiếm thức ăn phụ giúp bữa ăn gia đình nhưng Ái liên tục là học sinh giỏi các cấp. Đầu năm lớp 12, Ái đạt giải nhất kì thi học sinh giỏi môn hóa cấp tỉnh. “Em học được là do thương ba mạ. Không có tiền đi học thêm, em cố gắng đọc sách thật nhiều để tích luỹ kiến thức. Rất mê ngành hoá dầu, em muốn làm được điều gì đó cho ba mạ đỡ khổ” - Ái chia sẻ.
Ngôi nhà nhỏ mấy chục mét vuông không đủ chỗ cho Ái một góc học tập yên tĩnh. Ngay bậc thang lên chuồng lợn đặt chiếc bàn và một chồng sách cao ngang đầu người. Ái tâm sự: “Ở đây chuồng lợn phải làm cao ngang mái nhà để tránh lụt. Hàng năm nơi đây có vài ba trận lụt to, người thì còn chạy được chứ lợn gà thì chịu nên phải làm như thế. Ngồi học ở đây em thấy mát mẻ, yên tĩnh và đỡ làm phiền ba mạ về đêm”.
Những người hàng xóm chen vào câu chuyện của mẹ con Ái như chính chuyện của mình. Từ chuyện cậu đi học, đi thi vanh vách, đến cả chuyện tiếc tiền xe đò (khoảng 100.000 đồng/lần), hai cha con Ái mỗi năm đạp xe vài ba lần, vượt cả trăm cây số cả đi lẫn về thành phố Đồng Hới để mua sách tham khảo.
Chuyện Ái học ôn thi đến 2-3 giờ sáng khiến đôi mắt bị cận thị không có kính đeo, người gầy rộc vì không được bồi dưỡng... Mỗi câu chuyện về Ái là mỗi giọt nước mắt lăn trên má của những con người chân lấm, tay bùn nơi miền đất khắc nghiệt này.
Chia tay mẹ con Ái và những người hàng xóm tốt bụng, thì cũng là lúc ông Hoàng Minh Đoài (ba của Ái) đi làm đồng về từ ngoài ngõ, trên tay xách thêm mấy con chuột, nghe nói là của mấy người hàng xóm gửi biếu, bồi dưỡng cho tân thủ khoa.