Thủ khoa Đại học Y Hà Nội và 'cú chết hụt' 16 năm trước

TPO - Với chị Hoàng Thị Thanh, “ông Trời” vừa là số phận, vừa là những y bác sĩ đã cứu sống con trai mình 16 năm về trước. Để rồi trong lễ khai giảng ngày 19/10 vừa qua, Lê Hoàng Nam, con trai chị, vinh dự được tuyên dương danh hiệu “Thủ khoa” đầu vào Trường ĐH Y Hà Nội năm 2020 với số điểm gần tuyệt đối 29,8.

Mong làm bác sĩ để cứu người

Lớp 10, Lê Hoàng Nam đỗ vào chuyên Hoá trường THPT Nguyễn Du, Đắk Lắk. Em lần lượt đạt Huy chương Vàng môn Hoá kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 của khu vực phía Nam và giải Nhì môn Hoá kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội và 'cú chết hụt' 16 năm trước ảnh 1 Nam (ngoài cùng bên phải) bên gia đình. Ảnh: NVCC

Ở trọ suốt những năm THPT, ngoài thời gian lên lớp và học bài, Nam còn phụ giúp gia đình chủ nhà trông nom, chăm sóc các em nhỏ.

Nam giản dị, thân thiện và tự nhận “lười học” nên việc học tập khá nhẹ nhàng. Cân bằng việc học và chơi, Nam thường dành thời gian để giải trí như chơi game, facebook, xem thời sự, đi chơi với bạn bè,… Cậu cũng phụ giúp bố mẹ những công việc hằng ngày như rửa bát, quét dọn nhà cửa,…

Chính vì vậy, khi trở thành tân sinh viên, sống ngoài Hà Nội, Nam thấy khá ổn. Cậu ở ký túc xá và luôn nhớ lời mẹ dặn từ bé: “Nhà mình ở sâu, xa, nhiều người không biết tới, nhưng con cứ học và đạt kết quả của chính mình là được”.

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội và 'cú chết hụt' 16 năm trước ảnh 2 Lê Hoàng Nam

Em cũng tự nhủ trong môi trường này, ai cũng phải nỗ lực phấn đấu, để theo đuổi con đường 6 năm, thậm chí 10 năm sắp tới.

Theo Nam, để trở thành bác sĩ, ngoài chuyên môn tốt còn đòi hỏi rất cao về y đức, từ việc lựa chọn phương pháp cứu chữa, giao tiếp với bệnh nhân, đến dũng cảm đương đầu với tình huống mạo hiểm để cứu sống người bệnh.

Vì vậy, với tân sinh viên Lê Hoàng Nam, ngoài chăm chỉ học tập hơn để vững chắc về kiến thức, sáng suốt về chuyên môn, quá trình hành nghề về sau cần rất nhiều nỗ lực, trong đó, quan trọng là đặt mình vào vị trí người khác và mọi quyết định đều phải xuất phát từ tâm.

Nam không đặt nặng “lý tưởng”, nhưng từ cuối cấp 3 và cho đến giờ, khi đã là tân sinh viên ngành y đa khoa, mỗi khi ngẫm lại câu chuyện “chết hụt” thuở bé, Nam càng chắc chắn hơn về lựa chọn của mình.

“Làm bác sĩ, em có thể chữa được bệnh cho người thân và có thể kiểm soát sức khoẻ của mọi người. Em mong muốn được làm bác sĩ để cứu người như người ta đã từng cứu mình”. Nam bày tỏ và cho biết, mẹ sống chung với bệnh giãn tĩnh mạch và hở van tim nhiều năm nay. 

“Ông Trời cho sống là sống rứa đó”

Năm 2001, chị Hoàng Thị Thanh từ Hà Tĩnh vào Đắk Nông lập nghiệp. Hai vợ chồng chị gắn bó với điểm trường Mầm non Hoàng Anh (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) gần 20 năm nay.

Thuộc địa bàn thôn Phú Trung, cách trung tâm xã hơn 20km, Mầm non Hoàng Anh nằm lọt trong vùng rừng núi, nơi ở của hàng chục hộ dân là đồng bào dân tộc phía Bắc di cư tự do.

Nơi đây, Lê Hoàng Nam, chàng trai mang dòng máu Nghệ - Tĩnh sinh ra và lớn lên. Khi Nam lên 2, mẹ mang bầu em gái thì sóng gió ập tới với gia đình nhỏ.

“Bao nhiêu năm qua, nằm trên chiếc giường đó, tôi vẫn nhớ như in, như thể mọi chuyện vừa xảy ra hôm qua”, chị Thanh nhớ lại.

Chiều ngày Rằm tháng Bảy năm 2004, Nam sốt nhẹ, có dấu hiệu mệt sau khi ăn. Khoảng 19h30-20h tối, chị Thanh cho Nam đi ngủ sớm. Ba em vắng nhà.

Nằm một lúc, thấy con sùi bọt mép, trợn mắt, tím tái, người mẹ trẻ chỉ biết hô hoán hàng xóm sang cứu giúp. “Tôi đang có bầu em bé nên không ai cho đi theo. Mọi người kể, khi lên trạm y tế, con gần như …”, kể lại sau 16 năm trôi qua, giọng chị Thanh vẫn còn khiếp sợ, nghẹn ngào.

Bản năng người mẹ thôi thúc chị quyết lên trạm y tế với con. Mặc dù thiếu thốn mọi bề, nhưng “có bao nhiêu bác sĩ, y tá là bấy nhiêu người cấp cứu cho Nam. Khoảng hơn 1 tiếng sau, màu da con mới có sắc hồng”. Trái tim người mẹ dường như đập trở lại.

“Ông Trời cho sống là sống rứa đó”. Nói vậy, nhưng chị Thanh biết, “ông Trời” cũng chính là những y bác sĩ năm xưa đã chiến đấu với tử thần, giành giật lại sự sống cho con trai mình.

Trải qua những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống, nhất là biến cố kinh hãi tột cùng trước mong manh sinh tử của con, chị Thanh thường kiềm chế cảm xúc. Như thể không có gì đau đớn bằng cảm giác sẽ mất con và cũng không hạnh phúc nào bằng giây phút con hồi sinh.

“Đến khi con đạt học sinh giỏi quốc gia hay điểm thi cao, dẫu vui mừng, mẹ cũng chỉ nén trong lòng. Tôi không muốn khen ngợi con thái quá vì sợ con tự đắc. Ba mẹ chỉ động viên con cố gắng thôi”, chị Thanh nói.

Dâng lên trong ánh mắt người mẹ còn là nỗi lo thường trực hàng ngày, dù khi làm việc ở trường mầm non hay lên rẫy cà phê.

“Con đỗ đại học, mẹ mừng một nhưng lo mười. Không biết có thể lo cho con suốt những tháng năm dài khi theo học ngành Y hay không. Còn phải lo cho em gái đang học lớp 10 và bà năm nay 95 tuổi nữa”, chị Thanh nói.

Kinh tế chừng mực, công việc ở trường tất bật từ 6h30 sáng đến 6-7h tối mới về đến nhà. Chị Thanh trăn trở, “sợ đủ điều”, nhất là mỗi khi gia đình có người ốm đau.

Tuy nhiên, từ trước nay vẫn vậy, vợ chồng chị luôn động viên, chia sẻ với Nam giống như người bạn. Con thích nghề nào thì con chọn. Con cứ đi vào nghề đó nếu con đỗ. Bố mẹ chỉ tiếp sức và động viên, nếu con muốn đạt kết quả thì con phải nỗ lực, tuyệt nhiên không đặt áp lực.

Gia đình chỉ mong con cố gắng học, nếu đạt học bổng để có thêm hỗ trợ thì tốt. “Nhưng cũng đừng quá sức kẻo ốm đau không ai chăm vì xa cha xa mẹ. Mẹ chỉ mong bản thân mạnh khoẻ để nuôi con ăn học, học xong có thể về chữa bệnh cho mẹ và người dân nơi đây”, mẹ của Nam nhắn nhủ.

MỚI - NÓNG