Gần 400 dự án bất động sản chậm tiến độ:

Thu hồi nhỏ giọt

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2 thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) vẫn chậm tiến độ sau khi được gia hạn Ảnh: Ngọc Mai
Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2 thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) vẫn chậm tiến độ sau khi được gia hạn Ảnh: Ngọc Mai
TP - Sở TN&MT Hà Nội cho hay, thành phố hiện có gần 400 dự án bất động sản chậm tiến độ. Nhưng chỉ có 30 dự án được kiến nghị thu hồi và 10 dự án bị thu hồi.

Ai tiếp tay các dự án chậm tiến độ?

Mới đây, Sở TN&MT Hà Nội công bố, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm tiến độ.

Kết quả, hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi, thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án được gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa vào sử dụng. Có tới 63 dự án đang bị chậm giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại vướng nhiều nội dung liên quan thủ tục và các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất.

Bản danh sách này khiến không ít người ngạc nhiên, bởi số lượng dự án chậm triển khai lớn, có ở từ các quận trung tâm cho đến các huyện. Có những dự án kéo dài cả 10 năm vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi động. Thế nhưng, Sở TN&MT Hà Nội vẫn đưa ra nhiều lý do để các dự án này được tiếp tục triển khai. Theo chia sẻ của một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, bản chất việc thu hồi khá khó, bởi có dự án chủ đầu tư đã bỏ vài trăm tỷ giải phóng mặt bằng, giờ thu hồi lấy gì trả lại chủ đầu tư số tiền đó.

Thế nên mới có chuyện, nhiều dự án sau khi được gia hạn chủ đầu tư vẫn tiếp tục “ôm” đất chưa triển khai. Cụ thể như, Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2 thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội giao đất cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang vào ngày 8/11/2011. Dự án chậm tiến độ hơn 5 năm. Thế nhưng, năm 2019, dự án này lại được Hà Nội gia hạn 24 tháng theo Quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019. Đến nay, dự án đã hết hạn gia hạn nhưng vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Dự án đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà cũng là ví dụ điển hình. Dự án được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2009 và giấy chứng nhận thay đổi lần thứ nhất năm 2013. Đáng chú ý, quy định về tiến độ dự án sau điều chỉnh là khởi công quý III/2013, hoàn thành quý I/2016 nhưng hiện dự án vẫn không hề có hoạt động xây dựng. Dự án này thuộc danh mục dự án chậm triển khai mà UBND quận Nam Từ Liêm đã báo cáo đoàn giám sát của HĐND TP từ năm 2018. Theo báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, đến tháng 4/2021, dự án đã được làm tường rào, quây tôn bao quanh, trên khu đất không có hoạt động đầu tư xây dựng; chủ dự án đang cho thuê một phần đất làm sân bóng mini. Đáng chú ý là tiến độ dự án không có chuyển biến sau gần 3 năm HĐND giám sát và hơn 2 năm sau kết luận thanh tra của Sở TN&MT Hà Nội đưa ra.

Còn Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) có Dự án Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã quá hạn trên 16 năm; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) có Dự án Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B chậm 10 năm, Dự án N01 - T8 chậm 6 năm, Dự án Khu biệt thự chậm 3 năm, Dự án N04.A chậm 02 năm; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn có dự án chung cư Khuông Việt chậm 2 năm…

Chế tài còn nhẹ với các chủ đầu tư

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.

Các dự án Hà Nội thực hiện thu hồi do nhiều năm không triển khai như: Khu đô thị mới Prime Group (Mê Linh, Hà Nội), Khu đô thị mới BMC (Mê Linh, Hà Nội); Khu đô thị mới Việt Á (Mê Linh, Hà Nội)…

“Cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu việc “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng, chống đầu cơ đất đai”, ông Châu kiến nghị.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau ngày 1/1/2021, quy định việc thu hồi dự án sẽ theo quy định. Về bản chất, dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện xuất phát từ nhiều lý do, trong đó lý do chính nằm ở năng lực tài chính của chủ đầu tư, vào nhu cầu thị trường. Việc vướng cơ chế về hành lang pháp lý chỉ là vấn đề nhỏ. Bởi đến nay, nếu áp dụng tất cả quy định đã và đang có, việc thu hồi dự án không khó. Có rất nhiều dự án đã treo hơn 10 năm đủ cơ sở để thu hồi.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, dự án không được triển khai phải giải quyết từ gốc. “Cần tạo ra cơ chế đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất cho các dự án. Từ đó xây dựng khung chung cho các địa phương tiến hành đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất. Có như vậy, cơ hội tiếp cận quyền sử dụng đất đối với chủ đầu tư được công khai, công bằng, từ đó chọn ra nhà đầu tư đủ tiềm lực để thực hiện dự án khi trúng đấu giá, trúng thầu. Bên cạnh đó, nên bỏ quy định về đánh giá năng lực tài chính nhà đầu tư. Chúng ta đang dựa vào vốn điều lệ công ty đã đăng ký với cơ quan chức năng, cho phép chủ đầu tư được sử dụng các cam kết giải ngân dự án của ngân hàng, tổ chức tín dụng, xem đó là năng lực tài chính của chủ đầu tư trong quá trình thẩm định dự án. Chính điều này, đã dẫn đến việc chọn phải các chủ đầu tư chưa thật sự đảm bảo năng lực tài chính. Đặc biệt, phải ban hành cơ chế giám sát với việc triển khai các dự án và buộc chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ dự án”, vị này nói.

MỚI - NÓNG