Thu 144 xe sang trong đường dây của Dũng 'Mặt sắt'

Thu 144 xe sang trong đường dây của Dũng 'Mặt sắt'
Xe cũ được phù phép thành mới, không giấy tờ nguồn gốc... vẫn được thông quan (nhập khẩu) và vận chuyển sang Trung Quốc (tái xuất) bằng đường lòng cống.

> Dàn xe siêu sang trăm tỷ nằm phủ bụi
> Xe sang tiếp tục dồn về Việt Nam

Chiều 21/11, các trinh sát, điều tra viên của tổ Cảnh sát đặc biệt thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) vẫn đang vận chuyển, tiếp nhận 144 ôtô do Tổng cục Hải quan thu giữ và chuyển đến. Đây là những xe nghi bị Hà Tuấn Dũng (Dũng “Mặt sắt”) và đồng bọn buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới.

Đêm 5/5, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục VI, hàng trăm cán bộ của tổ công tác đặc biệt và lực lượng đặc nhiệm phòng chống ma túy (Bộ Tư lệnh Biên phòng) đã phối hợp triệt phá đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) do Dũng 'Mặt sắt' cầm đầu.

Tại thời điểm bắt giữ, cơ quan cảnh sát điều tra kiểm tra thực tế tại khu vực cửa khẩu, phát hiện và thu giữ 36 ôtô gồm: một xe Maybach 62S, 2 xe Ferrari, một xe Maserati, 3 xe Porsche Cayenne, 4 xe BMW 750, 5 xe Audi (A6, A8, Q7,S8), 12 xe Range Rover và Land Rover, 7 xe Mercedes (GL450, GL550, S550, S600), một xe Toyota FJ Cruser đang để trong chợ và sân trong khu vực cửa khẩu. Trong số này, có nhiều chiếc xe gắn biển kiểm soát nước ngoài.

Những ngày sau đó, cơ quan điều tra thu giữ 19 ôtô nữa liên quan vụ án, nâng tổng số xe tang vật thu giữ đợt đầu là 55 chiếc. Kiểm tra 55 xe, cơ quan Công an phát hiện số Vin thực tế của các xe không đúng số Vin mà các doanh nghiệp kê khai trong hồ sơ tạm nhập, tái xuất với cơ quan Hải quan (sai các ký tự, năm sản xuất). Tất cả xe không có tài liệu chứng minh xuất xứ, chỉ có vận đơn của các hãng tàu chuyển cho doanh nghiệp Việt Nam nơi nhận hàng. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an cũng cho thấy, 55 xe đều đã qua sử dụng.

Theo lời khai, tất cả các hợp đồng kinh tế mua bán xe với các pháp nhân nước ngoài (nơi mua và bán) trong hồ sơ kê khai với hải quan chỉ là hình thức, do họ tự tạo dựng ra để nhập khẩu, xuất khẩu xe ôtô theo hình thức tạm nhập, tái xuất xe mới (chưa qua sử dụng). Nhưng thực tế, việc nhập, xuất này đều thực hiện theo sự điều hành của một số người Trung Quốc từ cuối năm 2012.

Tất cả những xe này đều là xe cũ, đã qua sử dụng và họ đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để sửa chữa. Và để phù phép các xe này trở thành ôtô mới, được thông quan (nhập khẩu) và vận chuyển sang Trung Quốc (tái xuất) một cách dễ dàng, các doanh nghiệp trên đã phải viện đến Dũng “Mặt sắt” để hắn “bao biên” giúp, hoặc móc ngoặc với một số cán bộ hải quan thoái hóa biến chất…

Cống thoát nước tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh - nơi ôtô được vận chuyển qua biên giới
Cống thoát nước tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh - nơi ôtô được vận chuyển qua biên giới.

Cơ quan điều tra xác định, riêng qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, các nghi can đã vận chuyển trái phép hơn 1.000 ôtô các loại, liên quan đến 7 doanh nghiệp đứng ra làm thủ tục mở tờ khai tạm nhập, tái xuất. Đồng thời, khi phát hiện thủ đoạn phạm tội lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất”, cơ quan cảnh sát điều tra đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, yêu cầu kiểm tra, rà soát lại tất cả các cửa khẩu ở Hải Phòng và Quảng Ninh để phát hiện những xe thuộc diện vi phạm nói trên.

Qua đó, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 144 ôtô đã được thông quan tại một số cửa khẩu đang chờ tái xuất liên quan đến các nghi can trong vụ án để chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xử lý.

Tất cả ôtô do bọn Dũng “Mặt sắt” và các doanh nghiệp liên quan nhập khẩu, tái xuất tại Chi cục Hải quan Cái Lân (Quảng Ninh). Thế nhưng, các cán bộ hải quan ở đây vẫn cho rằng là xe mới, dù không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vẫn cho thông quan. Sau khi làm các thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cảng Cái Lân, Chi cục Hải quan nơi này đã làm thủ tục chuyển cho Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh để giám sát xuất.

Ở cửa khẩu này, theo quy định các hàng hóa tái xuất phải được đưa qua một cửa chính thống (có các cơ quan chức năng giám sát xuất làm việc), thì hơn 1.000 chiếc do 7 doanh nghiệp liên quan vụ án mở tờ khai đã lần lượt được đi theo đường riêng (qua lòng cống, theo đường mòn) sang Trung Quốc.

Cơ quan cảnh sát điều tra đang làm rõ sai phạm của các cán bộ liên quan trong vụ việc này. Hiện nhà chức trách đã bắt giữ 2 cán bộ của Đội nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát hàng hóa của Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh vì đồng phạm với hành vi “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Đó là Triệu Hoài Anh (39 tuổi, trú tại Hạ Long) và Bùi Quang Anh (29 tuổi, trú Quảng Ninh).

Hiện công an đã khởi tố 26 người về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong đó, 4 nghi can bị khởi tố thêm tội danh thứ 2 (tội Buôn lậu) là Hà Tuấn Dũng, Bùi Tiến Quảng (Giám đốc Công ty Tuấn Đông); Hoàng Đào Xuân Nghĩa, Nguyễn Thành Trung (Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế NC).

Trong 26 nghi can nêu trên, cơ quan điều tra đang truy bắt 4 người gồm: Dũng "Mặt sắt", Hoàng Đào Xuân Nghĩa, Nguyễn Thành Trung; Hồ Quang Đoàn (cũng là nhân viên của Công ty cổ phần Thương mại quốc tế NC).

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG