Sáng 13/4, huyện Sóc Sơn tổ chức lễ thông xe kỹ thuật đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú của tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
Đến dự buổi lễ có ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cùng các lãnh đạo sở ngành Hà Nội.
Về phía tỉnh Bắc Giang có bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang, cùng một số lãnh đạo tỉnh tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, dự án Xây dựng tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú của tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài là hơn 4,2km bao gồm tuyến chính và các tuyến nhánh. Trong đó, tuyến chính có vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang 12m; tuyến nhánh có vận tốc thiết kế 60km/h, mặt cắt ngang 9m.
Ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chia sẻ về dự án. |
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 194 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB là 100,8 tỷ đồng) được đầu tư từ nguồn Ngân sách huyện và ngân sách Thành phố hỗ trợ, thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2022-2025.
Tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú của tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên sau khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội và điều kiện để thu hút đầu tư, rút ngắn khoảng cách từ Tỉnh Bắc Giang đi sân bay Quốc tế Nội Bài và trung tâm thủ đô, mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện để khai thác tiềm năng quỹ đất của địa phương, tạo tiền đề kết nối các tuyến giao thông khác, thúc đẩy những cơ hội đầu tư, kinh doanh và mời gọi các nhà đầu tư, hợp tác, hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa và phát triển sản xuất.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định: Đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa to lớn, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân huyện Hiệp Hòa, huyện Sóc Sơn nói riêng và tỉnh Bắc Giang, thành phố Hà Nội nói chung.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ |
Theo ông Tuấn, dự án chính thức thông xe vào hôm nay sẽ đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết thành phố Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang. Sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ kết nối các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại Hà Nội và Vĩnh Phúc theo trục đường vành đai 4. Góp phần phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, thu hút các nhà đầu tư, khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Đường dẫn cầu Xuân Cẩm trên địa bàn huyện Sóc Sơn đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết thành phố Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang. |
Lãnh đạo thành phố yêu cầu, thời gian tới các Sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ tham mưu cho thành phố phê duyệt quy hoạch vùng huyện Sóc Sơn và 7 quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn. Quan tâm, dành nguồn lực để Huyện Sóc Sơn đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng kỹ thuật và các tuyến giao thông liên kết vùng.
Một số hình ảnh thông xe kỹ thuật đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm):
Dự án Xây dựng tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú của tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài là hơn 4,2km. |
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 194 tỷ đồng. |
Dự án được người dân tại Hà Nội và Bắc Giang mong chờ, đặc biệt là 2 huyện trực tiếp là huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) và huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) |
Hàng trăm người dân đã có mặt từ sớm để tham dự lễ thông xe. Được biết, trước khi có tuyến đường kết nối, để đi lại giữa 2 tỉnh, người dân vẫn phải đi đò. |
Sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ kết nối các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại Hà Nội và Vĩnh Phúc theo trục đường vành đai 4. |
Góp phần phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, thu hút các nhà đầu tư, khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển kinh tế, an sinh xã hội. |
Trước đó, dự án xây dựng cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú vượt sông Cầu có tổng chiều dài hơn 479m, bề rộng mặt cắt ngang cầu 12m. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình khoảng 110 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh Bắc Giang. |
Dự án phía tỉnh Bắc Giang được thực hiện từ năm 2017 và hoàn thành năm 2020. Riêng đoạn đường từ đầu cầu Xuân Cẩm (địa phận huyện Sóc Sơn) đến nút giao thông Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới sau khoảng 3 năm không có lối dẫn xuống. |