Thông điệp khát vọng

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính
TP - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có bài phát biểu gây chú ý tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á diễn ra ngày 20-21/5, trong đó nêu ra hai thông điệp rất quan trọng về khu vực và Việt Nam.

Diễn đàn quốc tế về Tương lai châu Á là sự kiện rất quan trọng, là nơi đề ra những định hướng lớn cho sự hợp tác ở châu Á, một khu vực rất năng động của thế giới. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi đại dịch đang lây lan nghiêm trọng và gây khó khăn cho tất cả các lĩnh vực, từ y tế cộng đồng, kinh tế, đến các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.

Trong cục diện khu vực và thế giới vẫn đang chuyển động rất sâu sắc và nhanh chóng, trong đó nổi lên vấn đề cạnh tranh nước lớn, châu Á vẫn được trông đợi là động lực phát triển của thế giới trong những năm qua và sau đại dịch.

Qua đại dịch này và những chuyển động của thế giới trong thời gian qua cho thấy cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số là vấn đề cực kỳ quan trọng. Trước những khó khăn và cơ hội, châu Á cần thoát khỏi đại dịch, giữ được hòa bình an ninh, bắt kịp được những phát triển về khoa học công nghệ và xu thế mới của thế giới thì mới có thể tiếp tục là động lực của thế giới.

Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á diễn ra trong bối cảnh đó, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra hai thông điệp rất quan trọng: thông điệp với khu vực và thông điệp về một Việt Nam khát vọng vươn lên sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản.

Trong thông điệp của Thủ tướng về khu vực châu Á – Thái Bình Dương nêu ra 6 điểm, trong đó có 3 vấn đề lớn.

Thứ nhất, các nước cần chung tay ứng phó, bảo đảm vắc-xin để thoát khỏi đại dịch COVID-19.

Thứ hai, phải nâng cao chất lượng phát triển và chất lượng hội nhập. Trong bài phát biểu của Thủ tướng đề cập nhiều đến phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, hội nhập trong khu vực, phát triển xanh và sạch... Những điều đó hướng tới tương lai châu Á phát triển chất lượng cao. Đặc biệt, châu Á cần tiếp tục hội nhập, đưa các hiệp định thương mại như CPTPP và RCEP vào cuộc sống.

Thứ ba, khu vực này phải giữ được hòa bình, ổn định và hợp tác. Muốn làm được điều đó, các nước phải chung tay, phải hợp tác, hội nhập và tôn trọng luật pháp quốc tế, xử lý những vấn đề hiện nay như Biển Đông phù hợp với nguyện vọng chung của khu vực và luật pháp quốc tế. Khu vực này còn nhiều vấn đề khác như phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong, xử lý thách thức an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nước biển dâng...

Trong thông điệp về khát vọng và đường hướng phát triển của Việt Nam, bài phát biểu của Thủ tướng nổi lên 2 điểm.

Thứ nhất, Việt Nam có lãnh đạo mới sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đề ra đường lối phát triển trong nước và hợp tác quốc tế. Trong phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu những điểm mà Việt Nam sẽ làm, chuyển đi thông điệp của chính phủ mới về đường hướng phát triển đất nước và thực hiện chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế sau Đại hội.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam theo đuổi phát triển chất lượng cao, đưa Việt Nam bắt kịp với thế giới và trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và cao vào các năm 2030 và 2045, dựa vào những đột phá về hạ tầng, kinh tế xanh sạch đẹp, văn hóa phúc lợi, công nghệ...

Thứ hai, về quan hệ quốc tế, Thủ tướng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với các nước, đồng thời cũng tích cực chủ động tham gia khu vực và quốc tế.

Việt Nam mong muốn các nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ... cùng chung tay xây dựng một cấu trúc khu vực hướng tới sự bảo đảm ổn định hơn, dựa trên luật lệ, phát triển chất lượng cao hơn, sớm thoát khỏi đại dịch, tiếp tục hội nhập ở khu vực này và kết nối với các khu vực khác, trong đó có châu Âu và châu Mỹ, để châu Á vẫn duy trì vai trò năng động của mình trong sự phát triển của thế giới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.