Thông điệp của Nhật qua các cuộc tập trận

Các xe bọc thép lội nước của SDF tập trận trên đất Philippines Ảnh: CNN
Các xe bọc thép lội nước của SDF tập trận trên đất Philippines Ảnh: CNN
TP - Sự hiện diện quân sự ở nước ngoài ngày càng tăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, theo các nhà quan sát, là một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Ý nghĩa thông điệp đó là gì?

Một cuộc tập trận của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) với 4.000 lính, hàng chục xe bọc thép và chiến đấu cơ, gồm cả loại tân tiến nhất là tiêm kích tàng hình F-35m, diễn ra trước sự chứng kiến của thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe nhân sự kiện này phát biểu rằng nay quan hệ quốc phòng của Nhật Bản đã lan rộng tớia tận châu Âu, Mỹ. “Các bạn đang thực hiện các nhiệm vụ cảnh báo và tuần tra, phối hợp với các nước đồng minh như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand,” thủ tướng Shinzo Abe nói trước binh lính nhân sự kiện hội quân thường niên của SDF  tại căn cứ Asaka, gần thủ đô Tokyo.

Quân đội Nhật Bản trong năm nay đã hiện diện ở nhiều nơi cách quê nhà hàng ngàn km. CNN trích lời các nhà phân tích nói đây là động thái chứng tỏ Nhật Bản đang gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc.

“Tham vọng thống trị châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc ẩn chứa nhiều tác động to lớn tới Nhật Bản”, ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu của RAND Corp (tập đoàn tư vấn chính sách toàn cầu của Mỹ nói).

“Vì lợi ích của mình, Nhật Bản phải xây dựng một đội quân có năng lực ngăn chặn những hành động liều lĩnh của Trung Quốc, giúp các nước khác cân bằng về chính trị và quân sự trước sự lớn mạnh của Trung Quốc”.

Chỉ trong vòng hai tháng qua, ba tàu chiến Nhật Bản trong đó có tàu khu trục chở trực thăng JS Kaga đã thực hiện tập trận  và thăm viếng các cảng, tới tận Ấn Độ Dương.

 Trong các hoạt động luyện tập này, có cuộc tập trận chống ngầm trên biển Đông với sự tham gia của một trong các tàu ngầm của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản công nhận đã sử dụng tàu ngầm tập trận tại vùng biển đang có tranh chấp này.

Tàu chiến Nhật còn tới Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore và Philippines, tập trận với tàu chiến Anh trên Ấn Độ Dương.

Đầu tháng 10 này, các xe lội nước của Nhật Bản đã lần đầu tiên hoạt động ngoài lãnh thổ, kể từ Thế chiến 2, khi chúng tham gia một cuộc tập trận chung với quân Mỹ và Philippines. Các xe chiến đấu này đã cập bến trên đảo Luzon của Philippines sau khi được tàu vận tải chuyên chở đi qua biển Đông.

“Rõ ràng hình ảnh SDF đã vượt ra khỏi khu vực Đông Bắc Á và đây là việc có chủ đích”, ông Corey Wallace, nhà phân tích an ninh thuộc đại học tổng hợp Freie (Đức), nói. Nhật Bản đang “bắn tín hiệu tới Trung Quốc rằng họ không thể coi như không tồn tại vai trò của Nhật, cho dù có Mỹ ở đó hay không”, ông Wallace nói.

Các hạn chế trong hiến pháp

 Hiện Mỹ vẫn duy trì 50.000 quân tại Nhật Bản kể từ sau khi Thế chiến 2 kết thúc năm 1945.
Hiến pháp hậu thế chiến, do các nước thắng trận áp đặt, giới hạn quân đội Nhật ở các hoạt động thuần túy là phòng vệ với Điều 9 nói rằng “các lực lượng mặt đất, trên biển và trên không, cũng như các lực lượng chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì”.

Tuy nhiên những hạn chế này đang ngày càng trở nên mờ nhạt dần khi Nhật Bản vẫn duy trì một lực lượng, theo một số đánh giá, hùng mạnh hàng thứ 5 thế giới.

Trước những thách thức hiện tại và tương lai, ông Abe đã đặt mục tiêu tới năm 2020 sửa đổi hiến pháp để chính thức công nhận quân đội Nhật Bản.

Tháng 8 vừa rồi, một “sách trắng” quốc phòng của Nhật nhấn mạnh các mối quan ngại về Trung Quốc trong khi môi trường an ninh khu vực đang có nhiều biến động.

“Việc Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa Giải phóng quân Nhân dân, nâng cao khả năng tác chiến, đơn phương leo thang các hoạt động ở nhiều khu vực gần Nhật Bản đang tạo ra các mối lo ngại lớn về an ninh trong cộng đồng khu vực và quốc tế, trong đó có Nhật Bản”, sách trắng quốc phòng viết.

Hôm thứ Bảy vừa qua, không quân Nhật Bản nói số lần họ phải cử chiến đấu cơ đối đầu với không quân Trung Quốc đã tăng 20% trong 6 tháng đầu năm 2018, so với cùng kỳ năm trước.

MỚI - NÓNG