Trước Bồ Đào Nha, Thomas Muller ghi bàn mở tỉ số từ cú đá phạt đền theo kiểu “đợi cho thủ môn di chuyển trước”. Cầu thủ 24 tuổi lãnh trách nhiệm đá phạt đền tại Bayern từ mùa Thu năm 2012, khi anh đá thành công một quả phạt đền trước Lille ở Champions League.
Đồng đội Bastian Schweinsteiger mô tả kỹ năng đá phạt đền của Muller là “ngoạn mục”. Nhưng dĩ nhiên, không phải vậy. Muller, người ghi 3 bàn trong chiến thắng 4-0 của tuyển Đức, chỉ đơn giản là đá rất cẩn trọng, chậm rãi, toan tính và khôn ngoan.
Khác hẳn với phong thái ăn mặc của anh: áo bỏ ngoài quần nom khá lôi thôi, đôi tất chỉ kéo lên một nửa, kiểu tóc chắc chỉ mất 5 euro để cắt và dáng chạy thì khuỳnh khoàng, cục mịch. Trông anh chẳng giống một ngôi sao bóng đá hiện đại chút nào.
Kẻ cắp không gian
Muller đã từng than vãn về chuyện “cơ bắp không chịu phát triển của mình. Nhưng anh nhanh chóng tìm ra giải pháp với vấn đề. “Đôi chân giúp tôi”, anh nói với Suddeutsche Zeitung. “Nếu bạn không thể nhờ sự giúp sức của thể trạng, thì bạn phải chuyển sức mạnh sang bộ não và chắc chắn rằng bạn tránh được các cú tắc nguy hiểm”.
Sau chiến thắng của đội Đức trước Bồ Đào Nha, Muller khẳng định rằng “bàn tiếp theo bao giờ cũng đẹp hơn bàn trước đấy”. Vẻ đẹp của anh là sự hiệu quả. Có thể thế giới cũng như bóng đá Đức có nhiều tiền đạo tài giỏi hơn anh đấy. Nhưng anh biết cách khai thác sai lầm của đối phương. Ở bàn thứ ba, anh tinh quái cản pha phá bóng của Bruno Alves để có cơ hội dứt điểm cho mình. Anh sút bằng chân trái. Rất nhanh. Và như thường lệ, chính xác.
Bàn thứ tư là một pha kinh điển của Muller, nghĩa là chớp thời cơ. Thủ môn để bóng bật ra, và anh như từ dưới đất chui lên đón bóng sút ngay, ấn định tỉ số. “Muller là cầu thủ của những bàn thắng vặt vãnh”, cựu cầu thủ và HLV người Đức Helmut Schon từng một lần nói vậy.
Đấy là ông đề cập về Gerd, không phải Thomas. Nhưng câu nói ấy hoàn toàn vừa vặn với cầu thủ 24 tuổi của chúng ta. Anh không phải cầu thủ ghi nhiều bàn thắng, mà anh đi ăn cắp chúng, như bản năng không suy chuyển được. “Đó là anh chàng có cái mũi đánh hơi bàn thắng rất thính nhạy”, HLV Joachim Loew nhận xét về học trò sau hat-trick anh ghi.
Cũng phải nói thêm rằng, Bồ Đào Nha đã giúp sức rất nhiều cho Muller ghi bàn thứ 6, 7 và 8 của anh tại các kỳ World Cup. Đội bóng của Paulo Bento đẩy cao hàng thủ, để lại nhiều không gian cho tiền đạo Đức hoạt động. Muller là kẻ cắp không gian, luôn tận hưởng những tình cảnh như thế. Tất cả những gì người Đức phải làm là tạo ra vài cú chọc khe cơ bản.
Tiền đạo bí ẩn
Bao giờ cũng vậy, những gì Muller làm được như vô hình trong con mắt hàng triệu người xem. Anh là một trong những tiền đạo kỳ lạ, luôn rơi vào điểm mù của các camera, kể cả khi anh quấy nhiễu hậu vệ đối phương cũng như khi anh tạo khoảng trống cho các đồng đội. “Cậu ta làm rất tốt công việc của mình ở phía trên”, Loew nói sau trận đấu. “Cậu ấy liên tục tạo ra các khoảng trống cho các đồng đội”.
Mueller "chơi khăm" Pepe.
HLV 54 tuổi rõ ràng không chỉ tận hưởng kết quả của trận đấu. Màn trình diễn của Muller xua tan chỉ trích rằng Loew quá mạo hiểm khi không mang thêm một tiền đạo cổ điển nào đến World Cup, thay vì đánh cược vào phương án dùng số 9 ảo. Muller thường lùi sâu, khác với các tiền đạo cổ điển là gần như cố định trong vòng cấm.
Với cách chơi ấy, Muller tham gia vào một vài tình huống quyết định, bao gồm cả chuyện góp phần để trọng tài đuổi Pepe. Anh ngã cái rụp sau khi bị Pepe thúc tay vào mặt. Thẻ đỏ có thể là nặng nhưng một cách hơi bẽ bàng cho Pepe, nó càng tô điểm cho sự đặc biệt của Muller. Đó là tình huống mà có thể gọi Muller là “hund” trong tiếng Đức, dịch ra là chú chó thông minh trong tiếng Bavaria. Nghĩa là rất ranh mãnh và láu cá. Tầm ảnh hưởng của anh tạo ra bên trên rõ ràng kéo đội Đức tiến lên trong trận đầu tiên tại World Cup. Cựu tiền đạo Oliver Bierhoff nhận xét: “Hiệu ứng từ hàng công là bí quyết thắng trận”. Đó là một lời khen cho Thomas Muller, Chiếc giày vàng World Cup 2010. Một gã lôi thôi, bí ẩn, ranh mãnh, nhưng cực kỳ sắc sảo.
Theo Gia Hưng