Tình người là bất biến
Sáng 11/9/2024, trong lễ phát động chương trình “Chung tay khắc phục hậu quả của bão Yagi” do báo Tiền Phong tổ chức có nhiều doanh nhân, đại diện doanh nghiệp tham gia. Tại đây, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nói, bão Yagi đã đổ bộ vào nước ta theo kịch bản xấu nhất, gây ra bao mất mát, đau thương. Nhưng dù bão lũ gây thiệt hại lớn, tình người là thứ bất biến và còn nhân lên cao hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau, để thấy được sự thiêng liêng của hai tiếng đồng bào. Và ngay trong lễ phát động chỉ kéo dài chưa đến 1 giờ đồng hồ đó, hơn 1,8 tỷ đồng gồm tiền mặt, hàng hoá đã được các nhà hảo tâm, nhiều nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ.
Đội xung kích của Tập đoàn Dabaco vận chuyển hàng hoá vào bếp ăn ở Làng Nủ |
Ông Nguyễn Trọng Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ TSC trực tiếp đến trao quà ủng hộ và chia sẻ: “Mỗi ngày, anh em trong công ty luôn theo dõi diễn biến của bão Yagi và thấy rằng thiệt hại của nhân dân rất lớn, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Vì thế, khi nghe thông tin về chương trình, chúng tôi lập tức phát động và cán bộ, nhân viên đã sẵn sàng chung tay ủng hộ. Và tôi đến đây để nhờ báo Tiền Phong trao đến tay đồng bào đang chịu nhiều thiệt thòi, mất mát”.
Không kịp có mặt trong buổi lễ phát động, bà Nguyễn Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda) đã gọi điện đến thường trực chương trình với mong muốn cung cấp nước uống đến đồng bào vùng lũ. Ngay ngày hôm sau, 1.200 chai nước (500 thùng) được xe của công ty đưa thẳng đến Tuyên Quang và Bắc Kạn.
Các doanh nghiệp tham gia ủng hộ tại chương trình Chung tay khắc phục hậu quả bão Yagi do Tiền Phong phát động ngày 11/9 |
Nhiều doanh nghiệp cũng không đến trực tiếp như Vikoda nhưng đã điện thoại cho lãnh đạo báo Tiền Phong cam kết sẽ chung tay ủng hộ đồng bào với kinh phí không nhỏ. Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup báo sẽ ủng hộ 1 tỷ đồng, Doanh nghiệp Xuân Trường cam kết góp sức với 200 triệu đồng… Ngay sau đó, kinh phí đã được chuyển về báo Tiền Phong kịp chuyển đến cho những gia đình có người tử vong trong bão lũ.
Những người thực hiện chương trình cứu trợ tại báo Tiền Phong thấu hiểu, trong bão lũ, chính các doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại, nhiều doanh nghiệp chỉ mới gượng dậy sau đại dịch COVID -19 nên không dễ gì có nguồn lực bằng tiền để hỗ trợ bà con. Vậy nên, không ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm gì hữu ích cho bà con lúc nguy nan muốn đem chính những sản phẩm đó tặng bà con.
Các kho hàng của thương hiệu mỹ phẩm Cỏ Cây Hoa Lá bị ảnh hưởng, thiệt hại đáng kể do bão Yagi. Nhưng khi nhận được thông tin từ báo Tiền Phong, Co-founder (người sáng lập) Cỏ Cây Hoa Lá Nguyễn Ngọc Bích lập tức liên lạc với chương trình để nắm bắt nhu cầu của bà con vùng lũ bão. Hàng hoá gồm dầu gội, sữa tắm, dung dịch vệ sinh do công ty sản xuất được chuẩn bị ngay sau đó. Hơn 1.000 chai dầu gội và sữa tắm trong đợt đầu tiên được đưa đi ngay trong đêm 13/9 để kịp chuyến đi của đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong. Những ngày sau, vị lãnh đạo này thường xuyên cập nhật tình hình thực tế và thấy rằng, những sản phẩm này rất cần sau lũ, lụt. Và hơn 2.500 sản phẩm và tiền mặt được bổ sung trong đợt thứ 2 được chuyển về kho hàng của báo Tiền Phong để đưa đến những gia đình gặp nạn.
Anh Nguyễn Ngọc Đức, đại diện Tập đoàn Dabaco Việt Nam trao hỗ trợ cho người dân Làng Nủ |
Doanh nghiệp sản xuất dầu gội tặng dầu gội, sản xuất xúc xích tặng xúc xích, kinh doanh gạo tặng gạo, hay doanh nghiệp sản xuất máy lọc nước như Tân Á Đại Thành gửi tặng máy lọc nước cùng tiền mặt… Những sản phẩm đó đều đáng trân trọng, cần cho bà con nên ban tổ chức gần như không từ chối một sản phẩm nào và lập tức vận chuyển đến tặng ở những điểm đang bị cô lập hay thiệt hại nặng nề nhất.
Hợp đoàn để cộng hưởng yêu thương
Trên hành trình đến với đồng bào vùng lũ tỉnh Lào Cai, chúng tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi của anh Nguyễn Ngọc Đức, cán bộ của Tập đoàn Dabaco Việt Nam. “Sáng thứ 6, ngày 13/9, tôi mới biết tin chương trình qua báo Tiền Phong và chính Facebook của các anh em trong đoàn. Tôi báo tin, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So lập tức phát động cán bộ, nhân viên trong công ty chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ, bão. Chỉ trong một buổi chiều với thời gian ít ỏi, Tập đoàn đã huy động được gần 200 triệu đồng (gồm tiền mặt và hàng hoá) ủng hộ. Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn thực phẩm ăn liền. Nhiều cán bộ, công nhân xung phong vào đội xung kích đi cứu trợ, chỉ chờ lịch là đi”.
Biết chúng tôi sẽ vào Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai), anh Đức lập tức báo cáo lãnh đạo Tập đoàn để xuất phát lúc 3h sáng hôm sau. Gần 10h sáng, hai xe chở đầy sản phẩm của Dabaco hợp đoàn với chúng tôi tại thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) để cùng tiến thẳng vào thị trấn Bảo Yên. Xe dừng tại điểm tiếp nhận cứu trợ của huyện, anh em cùng nhảy xuống xe bốc hàng để bàn giao. Một phần hàng được để lại để đưa vào tận nơi cho bà con Làng Nủ.
Tối 14/9, trên đường từ Lào Cai về Hà Nội, chúng tôi lại nhận được điện thoại của anh Đinh Xuân Lực, một chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại Bắc Ninh. Khi nghe chúng tôi báo ngày mai sẽ đi Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn, anh đề nghị được đồng hành. Sáng sớm hôm sau, anh chờ đoàn trên cao tốc đoạn qua thành phố Bắc Ninh.
“Chúng tôi đã chuẩn bị trứng ăn liền, thịt hộp, dầu ăn để bà con dùng ngay. Ngoài ra, tiền mặt hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại sau lũ cũng được chuẩn bị. Ba giờ sáng mai, chúng tôi sẽ xuất phát lên Lào Cai gặp các anh để vào Làng Nủ luôn”. anh Nguyễn Ngọc Đức, cán bộ Tập đoàn Dabaco
Đoàn đến thăm một gia đình bị đất vùi mất nhà cùng người đàn ông trụ cột trong gia đình tại thôn Làng Bu 1, xã Lâm Sơn (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) rồi trao hiện vật tại Tỉnh Đoàn Lạng Sơn. Sau đó, Đoàn đến thăm những gia đình có người thương vong trong vụ xe khách bị vùi lấp tại Nguyên Bình (Cao Bằng).
Mỗi nơi đến, gặp từng người chia sẻ với từng hoàn cảnh, anh Lực rưng rưng xúc động. Ngoài quà của các nhà hảo tâm mà chúng tôi mang theo, đến đâu, anh Lực cũng hỗ trợ trực tiếp thêm cho các gia đình khó khăn. Khi chia tay, anh còn chuyển khoản ngay về báo Tiền Phong 50 triệu đồng để Báo xây cầu tại nơi chịu ảnh hưởng bởi bão lũ tại Bắc Kạn.