Yêu chồng đến thiếu bản sắc
Chiều chồng là đức tính tốt nhưng chiều quá thì thành ra… “ngu”. Có những người vợ chiều chồng đến mức phi lý rằng chồng không thích ăn gì thì cũng không “cho phép” mình đặt món đó trên mâm, chồng thích rượu bia nên “kiếm” đủ loại cho chồng, chồng “sai” đi mua gì thì cũng mua mà không ý kiến ngay cả khi “túi rỗng”.
Cũng vì yêu chồng mà từ thuở bơ vơ mới về, vợ cứ nhận hết mọi việc: “Anh để quần áo đó em giặt, cơm nước để em nấu”. Có những ông chồng đi làm về, vứt áo, vứt cặp từ cửa vào giường mà vợ cứ lầm lũi thu dọn như “nghĩa vụ cao quý”. Chính vì không “quán triệt” ngay từ ban đầu nên càng ngày anh càng ngại vào bếp, ngại động chạm vào đám quần áo mà trước đây còn độc thân anh vẫn biết làm. Mọi thứ như mặc định!.
Ảnh minh họa |
Nhiều cảnh gia đình lại rất lạ, đàn ông vốn được xem là cây cổ thụ thì vẫn chỉ là “con nít to xác” với vợ. Đó là cảnh sáng ra, mỗi người một hướng, kẻ vào ca, người đến công sở, trẻ con đi học. Tối đến, vợ cố về sớm đi chợ nấu cơm, chồng về ngồi xem ti vi, vào nhâm nhi chút đồ nhắm, đợi vợ tắm cho con xong thì tiếp tục ăn cơm. Ăn xong, chồng và con chơi thỏa thích, vợ rửa bát, giặt giũ quần áo, phơi đồ ướt, cất đồ khô, vừa làm vừa nhìn ngắm chồng con chơi, hôm mệt thì vừa làm vừa nhăn nhó nhưng vẫn cố cho đó là việc của mình.
Nhìn vào, ngỡ đó là hạnh phúc truyền thống của người Việt nhưng thực chất đang tiềm chứa trong đó sự bất ổn to lớn. Bởi vì trong cảnh đó, đàn ông quen và chỉ biết mỗi việc công sở, vợ khác nào là osin cao cấp. Cũng chính vì thế, sau khi đứa trẻ vào bàn học hoặc đi ngủ, người vợ “bơ phờ” xong nghĩa vụ của một ngày thì chồng chán chả có gì làm, không lang thang chat với cô bé nào trên mạng thì vào bắn vào ván đột kích, chơi vài ván cờ online…
Đồng thời nhìn vợ bơ phờ xộc xệch thì chồng lại ngán, sinh lòng thương nhớ mấy em chân thon eo gọn. Cũng vì nếp nhà như thế nên vợ cứ hì hục, ôm đồm mọi thứ quên cả bản thân còn chồng thì ngày càng hời hợt, vô tâm, rồi “nhàn cư vi bất thiện” thích đàn đúm với bạn, vợ ốm cũng chả rõ…
Vợ ngoan phải biết cãi chồng!
Ảnh minh họa |
Vợ ngoan hiền là người thường xuyên lắng nghe, thấu hiểu, không cãi lộn với chồng. Nhưng có nhất thiết lúc nào cũng phải gật đầu với mọi hành động của anh?! Vì luôn tôn thờ “ý chồng là ý trời” thì tránh sao được tình trạng chồng “bao xuyến” toàn bộ mọi quyết định, dần dần “quên hỏi ý kiến vợ”. Thế là “mầm mống” gia trưởng trong anh ngày càng lớn lên. Đồng thời, vì quen với ý nghĩ “vợ thì biết gì” nên anh nghĩ rằng mình cần phải kỹ tính kiểm soát, luôn thấy không yên tâm với bất cứ hành xử nào của vợ.
Mặt khác, vì muốn là vợ ngoan nên nhiều chị không dám khuyên ngăn chồng đúng lúc, không dám “chặn đứng” những lúc chồng hành xử sai. Thế nên mới có không ít trường hợp chồng ra tòa ly hôn vì lý do tưởng chừng rất lãng xẹt “vợ ngoan quá”. Số còn lại không muốn ly hôn thì chồng sẽ thành kẻ “điều binh khiển tướng” bằng “thiết quân luật” chặt chẽ.
Đã thế, nhiều chị còn tự hạ mình xuống “nhường nhịn” chồng vì lý do “đàn ông mà”. Thế là chị mặc nhiên chuyện anh văng tục là bình thường, lê la về muộn cũng không lạ, ít sang nhà vợ vì anh đâu phải làm dâu, “phiêu” chút đỉnh với đám con gái ngoài kia cũng chẳng sao miễn “đêm lại về nhà”.
Không thể phủ nhận “tâm tính” những người vợ này là tốt, có mục đích vì chồng con nhưng “vợ khôn” thì chồng mới được “đi hài”, “cài số lùi” cũng phải có “số tiến” để biết sửa sai đúng lúc, đôi khi là phải “uốn nắn” các ông chồng.
Ám ảnh vì hai từ hoàn hảo
Xin khẳng định hoàn hảo không phải khi nào cũng tốt. Nhưng lại không ít người vợ cố gắng hoàn hảo đến mức không còn chỗ khuyết để “nhét” chồng vào nên anh ta thừa ra ngoài. Đó là một người vợ có sắc, có duyên, có đầu năng động, có đôi tay hành động và có đôi chân biết tiến thoái. Thế nên hễ thấy chồng động làm gì trong nhà thì chị đều thấy “ngứa con mắt”. Những câu “anh phải làm thế này”, “thôi để đó em làm cho”, “anh làm không đúng rồi” đã đẩy họ tách rời nhau.
Đứng trước người vợ hoàn hảo như thế, chồng bỗng trở nên “co vòi, nhụt chí”, không muốn đụng chân đụng tay, “làm gì cũng bị chê thì chỉ làm cho mệt”. Thế nên vợ càng hoàn hảo từng góc cạnh thì chồng càng mòn vẹt từng phân. Sự hoàn hảo, hay cố gắng hoàn hảo cũng là nguy cơ đẩy vợ đến đơn độc. Thế nên chồng đi quên đường về vì không phải vướng bận “không có mình cô ấy sẽ…”.
Ảnh minh họa |
Mỗi lần về nhà thấy mình khó “kê cho bằng” vợ nên anh ta “nhảy” vào game để cứu mỹ nhân hay ra ngoài đòng đưa cô nào để chứng tỏ mình. Nhưng không phải vì “thua vợ” mà anh ta “sợ” đến mức thành “thóc chẩm”. Càng thấy mình kém cỏi thì tâm lý người ta càng bức bối, u tối nên càng muốn cáu lên cho ra mặt đàn ông, biết là nói cùn nhưng nếu không “dám” cùn thì anh ta có lúc nào “trên” vợ đâu. Cũng vì luôn kém vợ nên anh ta chả khi nào muốn về “nhà ngoại” để mà ngậm ngùi nghe vợ “giương oai múa kiếm”.
Dân gian vẫn nói vui rằng đàn bà đừng “cái gì cũng biết”, “với em việc đó nhỏ như con thỏ” mà hãy biết giả vờ… dại! Người xưa cũng đã từng “phỉ phui” sự hoàn hảo bằng những câu “ngu si hưởng thái bình”, “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Thế nên đừng cố làm vợ hoàn hảo. Bạn cũng đừng cố nghĩ rằng đó là sự bất công. Bởi vì người ta từng làm cuộc cách mạng bình đẳng giới nhưng chưa ai làm được cách mạng bình đẳng tâm lý giới. Thế nên đừng cố phản kháng mà hãy lựa, hãy “hạ thấp” mình đúng lúc để “nâng chồng” lên cho cuộc sống nhịp nhàng.
Trong các thói xấu của chồng, người vợ không nên chỉ biết than mà cần nhìn nhận bản chất của vấn đề, “định vị” được “trách nhiệm liên đới” của mình. Biết nhặt biết khoan; viết vâng, biết hả; biết nịnh biết nóng; biết lành, biết dữ đúng lúc thì mới khiến cho chồng biết dặt biết dìu, biết sai biết sửa. Nhưng, nên nhớ bạn chỉ cần điều chỉnh chứ đừng “cải tổ hoàn toàn”, “phủ định sạch trơn” những đặc tính tốt đẹp của mình nhé! |