Thời đại siêu huấn luyện viên

Mourinho, Ancelotti và Guardiola là ba nhà cầm quân hàng đầu thế giới thời điểm hiện tại. Ảnh: Reuters.
Mourinho, Ancelotti và Guardiola là ba nhà cầm quân hàng đầu thế giới thời điểm hiện tại. Ảnh: Reuters.
Những đội bóng lắm tiền nhiều của đều đang tập trung cày xới một mảnh đất nhỏ gồm các huấn luyện viên đình đám như Jose Mourinho, Pep Guardiola hay Carlo Ancelotti...

Hai đội bóng thành Manchester, Barcelona, Real Madrid, Chelsea, Bayern Munich và Paris Saint-Germain giống như tảng băng trôi tách khỏi phần còn lại của lục địa bóng đá. Những câu lạc bộ này sở hữu doanh thu khổng lồ hoặc túi tiền không đáy từ các ông chủ, do dó có những đặc quyền vượt trội so với các CLB khác phải vật lộn với vấn đề tài chính.

Họ vượt quá tầm một đội bóng đơn thuần, mà còn là những biểu tượng về sức mạnh, chính trị và những giá trị mềm khó có thể đong đếm. Dĩ nhiên để duy trì vị thế, các siêu câu lạc bộ cần tới những siêu huấn luyện viên làm đầu não. Điều này được minh chứng ở thời điểm chuyển giao giữa năm 2015 và 2016 vừa qua.

Đầu tiên là quả bom từ Mourinho. Cựu HLV Real bị Chelsea sa thải chỉ sau bảy tháng đưa đội bóng vô địch Ngoại hạng Anh. Hôm sau, HLV Guardiola, người cũ của Barca, thông báo chia tay Bayern để tới nước Anh và ngay lập tức cựu chiến lược gia Real, PSG và Chelsea là Ancelotti được điều đến thay thế.

Câu chuyện chưa dừng ở đây khi tương lai của những siêu huấn luyện viên này trở thành mỏ vàng cho báo chí khai thác. Mourinho được đánh giá là ứng viên số một thay Louis van Gaal ở Man Utd, trong khi đó nguồn tin khác lại nói cái tên mà hai đội bóng thành Manchester và Chelsea khao khát nhất là Guardiola. Ngay cả người đã rõ ràng tương lai như Ancelotti cũng bị kéo vào với thông tin được Man Utd, Chelsea và Liverpool chèo kéo trước khi nhận lời Bayern. Một người vốn kín tiếng như Manuel Pellegrini còn có tên trong danh sách ứng viên tại Chelsea.

Thời đại siêu huấn luyện viên ảnh 1

Ancelotti thay thế Guardiola ở Bayern như minh chứng cho vòng quay giữa các đội bóng và huấn luyện viên hàng đầu.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, các CĐV có thể nhiễu loạn trước hàng loạt tin đồn. Nhưng nếu nhìn đơn giản hơn thì đây chỉ là một vòng quay của bóng đá hiện đại, thứ bóng đá đặt nặng thành tích và kinh doanh lên trên truyền thống cũng như tình cảm. Những nhà tài phiệt hay các hoàng thân Ả rập sẽ không chịu chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đôla, để rồi phải chờ đội bóng đạt thành tích sau ba, năm hay mười năm ươm tài năng trẻ. Phương châm của họ thật ra rất đơn giản - tiền bỏ ra, thì danh hiệu phải vào, ngay lập tức.

Khi bổ nhiệm một huấn luyện viên tên tuổi, toàn bộ đội bóng sẽ được thúc đẩy tinh thần, bởi họ cần chứng tỏ với ông thầy mới. Đây là hiệu ứng rõ ràng nhất, dễ thấy được trong một thập niên gần đây. Ancelotti và Mourinho chỉ đạt đỉnh cao trong vòng hai năm đầu tiên trước khi bị sa thải. Nhưng không có vấn đề gì bởi họ chỉ nghỉ ngơi ít lâu trước khi một đội bóng lớn gõ cửa và vòng quay lặp lại. Nhậm chức, hy vọng giành một vài danh hiệu tức thời làm đẹp lý lịch, và cuối cùng là sa thải.

Những gì người hâm mộ hy vọng vào một Alex Ferguson hay Arsene Wenger thứ hai chỉ là ảo mộng ở thời đại này. Man Utd cố gắng tìm kiếm điều đó khi ký ngay hợp đồng sáu năm với David Moyes, nhưng nhà cầm quân Scotland cho thấy ông không có cửa ở sân chơi lớn. Ngay cả một người được xem là siêu huấn luyện viên như Mourinho cũng phải cuốn gói khỏi Chelsea, đội bóng mà ông luôn tuyên bố dành tình cảm đặc biệt, chỉ sau hai năm rưỡi. 

Trong số nhóm bảy siêu câu lạc bộ châu Âu, Guardiola, Mourinho, Pellegrini và Benitez đều đã huấn luyện hai đội. Ancelotti có thể xem là bố già của các siêu huấn luyện viên, khi Bayern đã là đội thứ tư. Mùa hè tới đây, Diego Simeone có thể là thành viên mới của nhóm này, còn Jurgen Klopp vẫn phải chờ, bởi vừa ký hợp đồng với đội bóng chiếu dưới là Liverpool.

Thời đại siêu huấn luyện viên ảnh 2

Zidane ngồi chưa ấm chỗ nhưng đã có thông tin cho rằng danh thủ người Pháp có thể bay ghế cho Mourinho vào cuối mùa nếu làm không tốt.

Sau những gì Mourinho gây ra ở hậu trường Chelsea, huyền thoại Liverpool Graeme Souness viết trên tờ Sunday Times rằng không đội bóng Anh nào muốn thuê Mourinho. Lập luận của Souness dựa trên cá tính và lối chơi phòng ngự tiêu cực của chiến lược gia Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, ông có lẽ đã nhầm to.

Một trong những yếu tố đầu tiên để có danh hiệu thời đại này là phải biết chơi an toàn, trừ khi có một hàng công gồm toàn "siêu nhân" như Barca. Bên cạnh yếu tố chiến thuật, Mourinho hay bất cứ siêu huấn luyện viên nào còn có kỹ năng mềm để quản lý ngôi sao, dẫn dắt họ tới một mục tiêu chung. Không phải ngẫu nhiên, họ được xếp vào hàng ngũ chiến lược gia số một. Một huấn luyện viên của siêu câu lạc bộ còn phải là một nhà ngoại giao đại tài, biết cương và nhu.

Hãy nhìn vào những gương mặt ở chiếu dưới. Paulo Sousa đã giành chức vô địch ở ba quốc gia khác nhau và đang giúp Fiorentina chơi như lên đồng ở Serie A. Tại Tây Ban Nha, Eduardo Berizzo biến Celta Vigo thành đội bóng cạnh tranh suất Champions League với đội hình chỉ giá chưa bằng một phần mười Real. Liệu họ có thể tiếp bước và nhận công việc tại một siêu câu lạc bộ? Câu trả lời là không.

Thời đại siêu huấn luyện viên ảnh 3

David Moyes là trường hợp điển hình giữa việc lệch pha câu lạc bộ và huấn luyện viên. Ảnh: Reuters.

Quay lại lần nữa trường hợp của Man Utd và David Moyes, một đội bóng lớn thuê chiến lược gia hạng dưới nhưng được đánh giá là tiềm năng. Không thể phủ nhận Moyes rất giỏi trong việc xoay xở ở Everton, nhưng như vậy là chưa đủ ở Man Utd.

Một đội bóng lớn có quá nhiều chuyện ngoài chuyên môn, mà chỉ có người quen thuộc và thích nghi mới biết cách ứng xử. Nếu cần một ví dụ rõ ràng hơn hãy nhìn sang Claudio Ranieri, người khiến cả Ngoại hạng Anh sốc khi hồi xuân cùng Leicester City. Sự thăng hoa muộn màng của Ranieri là điều ông không làm được mỗi khi dẫn dắt các đội bóng lớn, để rồi chỉ mang danh "Gã thợ hàn".

Siêu câu lạc bộ chỉ dành cho siêu huấn luyện viên.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG