Thời bao cấp và những thèm khát ‘tội lỗi’
Khi nhận ra hộp sữa đặc Thống Nhất người ta biếu bố đã bị mình hút trộm gần hết, cậu bé Long sợ hãi bỏ trốn.
Những người từng sống trong thời bao cấp khi nhìn lũ trẻ con bây giờ thường ít nhất một lần chép miệng: “Bây giờ chúng nó sướng thật, cái gì cũng thừa thãi, chê chán, chả bù cho mình ngày xưa, đủ thứ khát thèm”.
Ước bị ốm để ăn ngon
“Hồi thằng Long nhà này 8 tuổi, có ông khách đến chơi nói chuyện với nó, hỏi Long mơ ước nhất điều gì, không ngờ thằng bé bảo cháu ước thường xuyên bị ốm. Ông khách trố mắt hỏi tại sao, nó nói vì ốm được ăn ngon”, bà Phương, 64 tuổi, kể về cậu con trai cả của mình, nay đã 38 tuổi.
“Biết cái tính con phàm ăn, tôi cố ra hiệu cho nó đừng nói nữa kẻo xấu hổ, nhưng được ông khách khuyến khích, thằng Long vẫn cứ thao thao kể. Nó bảo ngày thường có đồ ăn gì mẹ cháu cũng bắt ăn ít thôi để nhường em, cháu gắp thêm một miếng có khi mẹ còn mắng. Nhưng khi bị ốm thì mẹ sẽ hỏi con thích ăn gì để mẹ mua, bữa ăn có gì ngon cũng gắp cho cháu, còn giục cháu ăn thêm nữa. Cháu ốm, mẹ cháu sẽ lôi lọ đường ra cho cháu ăn với cơm, chứ ngày thường thì đừng hòng, thỉnh thoảng cháu xúc trộm vài thìa còn bị ăn mắng”.
Ngày trước bị con “tố cáo” như thế, bà Phương xấu hổ lắm, nhưng giờ thì bà rất thích kể như muốn chia sẻ cảm xúc và nỗi hoài niệm về một thời khó khăn mà tất cả mọi người đều đã kiên cường vượt qua. Bà nhớ, hồi đó các con bà, đặc biệt là Long, lúc nào cũng thèm nhạt các loại đồ ngọt. Nhà có gói kẹo nào, bà phải cất đi thật kỹ, đứa nào có thành tích cần khen thưởng mới đem ra cho vài cái, mấy đứa kia nhân đó cũng có phần. Nhiều khi cất dành lâu quá, khi lôi ra thì kiến, chuột đã ăn mất, mấy đứa trẻ vừa tiếc xót xa, vừa oán mẹ, ngồi khóc rấm rứt.
Anh Long cũng góp chuyện: “Bây giờ các cô cậu 9X hay nói ‘bình thường như cân đường hộp sữa’ chứ thời tôi còn bé, cân đường hộp sữa chả bình thường chút nào, mà nó vô cùng sang trọng, vô cùng xa xỉ, ngoài đồ phân phối ra thì chỉ được cho khi ốm, mà phải ốm nặng nhé, hoặc người ốm phải quan trọng hay thân thiết một chút. Tôi mê nhất là sữa đặc, hình như hiệu là Thống Nhất. Tôi không thích pha sữa, dĩ nhiên có thì chả từ chối bao giờ, nhưng với tôi, sang nhất, tuyệt nhất là sữa đặc không pha, cứ ăn thẳng như thế, ngọt lừ, béo ngậy”.
“Vì cái hộp sữa ấy, tôi không chỉ mong mình ốm mà còn mong bố mẹ ốm nữa, vì bố mẹ ốm mới được người ta cho sữa, chứ trẻ con ốm thì cho mấy cái kẹo hay mấy quả trứng, quả cam thôi. Mỗi lần khách đến thăm mà cầm theo đường sữa là mấy anh em mắt sáng rực, hau háu nhìn túi quà, cứ đi ra đi vào, lảng vảng nhìn trộm cái túi, chỉ mong khách về mau để còn cầm lấy mà hít hà, dù chỉ có mùi kim loại. Ấy thế mà lần nào bố mẹ tôi cũng cất vào tủ, mấy đợt ốm rồi vẫn cất trong tủ. Phải thật lâu sau đó, chúng tôi cứ nhắc nhở, nì nèo mãi, mẹ tôi mới lôi cái hộp ra. Mà nào có được ăn ngay, bà còn lột nhãn giấy, cho vào nồi luộc mãi, sốt ruột đến chết”, Long kể.
Sữa luộc rồi, bà mẹ Long mới đục, rồi rót ra tí tẹo vào đáy cốc, pha thêm cơ man nào là nước sôi, lại còn thêm đường mới đủ ngọt, đúng là chỉ có mùi và màu sữa mà thôi. Chỗ sữa còn lại, bà đặt vào cái đĩa sâu lòng đựng nước để chống kiến, đậy lại, cất tủ. Thế là anh Long cứ rình lúc không có ai, thỉnh thoảng lại lôi hộp sữa ra, cho vào mồm nút trộm. Một hôm, nút chụt chụt mấy cái không thấy gì chảy vào mồm, Long nhận ra mấy hôm nay mình đã chén sạch cả hộp sữa rồi. Nhớ lại những lần bị bố quất cho mấy roi vì tội ăn vụng, Long sợ run, vì anh nghĩ, một thứ quý giá như hộp sữa thì chắc chắn mức độ đánh đòn phải nặng kinh người.
Thế là Long trốn, nấp sau đống gạch cạnh bể nước của khu tập thể từ trưa đến tối. Khi mọi người đi tìm, gọi ầm ĩ khắp nơi, cậu bé vẫn không dám lên tiếng, cứ cố co mình lại, im thin thít, rồi sau đó ngủ quên mất. Mãi đến khuya, một bác hàng xóm mới phát hiện được, bế về.
Không thổ lộ 'ham muốn'
Một dấu ấn tinh thần đóng lên hầu hết lớp trẻ thời bao cấp đến tận sau này là rất ngại bộc lộ ham muốn.
Hầu hết những đứa trẻ thời đó đều biết bố mẹ mình khốn khó, cực nhọc trong việc kiếm cho chúng miếng cơm để ăn, manh áo để mặc. Vì thế, trẻ con thời bao cấp rất thương bố mẹ và cực kỳ biết thân biết phận, không mấy đứa dám đòi hỏi, xin xỏ cái nọ cái kia. Mặc dù đứa nào cũng thèm khát đủ thứ, từ đồ ăn đến đồ chơi, nhưng luôn nghĩ rằng nếu nói ra những nhu cầu đó là tội lỗi, là làm khổ bố mẹ.
“Tôi thèm bánh mỳ từ hồi bé tí, cho đến năm học lớp 8, năm 1993, mới lần đầu được ăn. Hình vẽ bánh mỳ trong các cuốn sách tiếng Nga quá hấp dẫn, khiến tôi tưởng tượng nó phải ngon kinh khủng, phải đắt kinh khủng, nên không bao giờ xin mẹ, cũng không bao giờ đả động đến chuyện tôi thèm món đó. Nếu biết tôi thèm đến thế chắc mẹ đã mua cho, và tôi đã biết nó cũng bình thường thôi, không phải kéo dài sự khao khát cho đến tận tuổi dậy thì như vậy”, chị Mai, 34 tuổi, kể. Năm chị học lớp 8, thời bao cấp đã qua, nhưng nhà Mai vẫn nghèo, chị vẫn quen thói kiềm chế mọi ham muốn của mình. Nếu không nhặt được tiền và quyết định mua bánh mỳ ăn thử, chắc không biết đến bao giờ chị mới biết đến vị bánh mỳ.
Còn chị Trúc, 37 tuổi, cho biết cái mà chị khao khát nhất hồi bé là chiếc khăn voan màu đỏ. Những đứa bạn chị có người nhà đi nước ngoài về đều có khăn voan đỏ. Chúng dùng để quàng, để thắt làm nơ cài lên đầu hay đeo vào tay những khi biểu diễn văn nghệ, để trùm lên đầu khi chơi trò hoàng tử, công chúa, hoặc quấn ngang hông làm váy…
Trúc biết bố mẹ mình không bao giờ bỏ tiền ra mua một thứ phù phiếm như khăn voan, khi mà dép đứt còn chưa mua nổi. Vì thế chị chỉ ước và ước. Trúc thường tưởng tượng bỗng dưng có một người cậu hay người cô đi nước ngoài, về tặng mình cái khăn voan, rồi tưởng tượng đó đi vào giấc mơ. Ngoài khăn voan, chị cũng thèm những chiếc kẹp tóc hình bướm, những chiếc vòng tay nhựa đủ màu vẫn chạy lên chạy xuống trên cổ tay các cô bạn… Nhưng chị chẳng bao giờ dám tâm sự với mẹ. Và khi chị đã có khả năng mua những món đồ nho nhỏ ấy thì thời để đeo chúng đã qua từ lâu.
Anh Trần Phong, 39 tuổi, thì chia sẻ, cái làm anh khao khát nhất hồi bé là máy chơi điện tử, thứ đồ chơi mà mấy đứa em họ anh được bố chúng mua cho từ Algeria. Cái món đồ “từ thế giới khác” ấy khiến anh mong ngóng từng cơ hội nhỏ được gặp bọn em họ, nuốt nước bọt hếch mỏ xem chúng chơi, hy vọng thỉnh thoảng được chơi ké một tí. Dĩ nhiên, để tăng cơ hội cho mình, anh cũng hối lộ chúng những gì kiếm được. Phải mất bao thời gian và tâm lực cho việc đợi chờ mới được sờ vào cái máy một tí, nên anh Phong thấy hậm hực, đau đớn vô cùng khi vừa đến lượt chơi, hay đang chơi dở thì đã phải ra về. Dĩ nhiên, dù có ngông cuồng đến mấy, anh cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện xin bố mẹ mua một món thượng lưu như vậy.
Không dám xin, nhiều đứa trẻ nghĩ cách tự xoay xở để có được thứ mình thích, mà dễ nhất là trò gom - bán đồng nát. Những sợi dây nhôm, những lõi dây điện bằng đồng, những mẩu sắt vụn, những chiếc dép nát đến không thể nát hơn… được bọn trẻ gom lại, giấu kín vào một xó để bán cho đồng nát. Tiền ấy, chúng giấu đi, mua kem, mua kẹo để ăn, hoặc để hối lộ thằng bạn có món đồ chơi cao sang.
Chị Trúc chia sẻ: “Đến bây giờ, mỗi lần nghe tiếng rao của các bà đồng nát, tôi lại nhớ cái thời nhặt nhạnh từng cái đinh gỉ, từng mẩu sắt vụn ấy”.
Theo Nhân Phan
Đất Việt