Thoái hơn 22.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành: Loay hoay lối thoát

Thoái hơn 22.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành: Loay hoay lối thoát
TP - Chỉ còn hơn 1 năm nữa, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn tất việc thoái hơn 22.000 tỷ đồng giá gốc các khoản đầu tư ngoài ngành theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ với quy định không được bán vốn thấp hơn giá thị trường, không bán lỗ, hàng loạt đơn vị đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

> Đại gia vứt đi trăm tỷ chỉ mong được nhẹ thân
> Lợi nhuận buồn của các ngân hàng cổ phần

Nặng gánh thoái vốn

Theo thống kê của Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có tổng cộng hơn 22.000 tỷ đồng đã được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tung ra để đầu tư ngoài ngành (vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng). Trong đó, dẫn đầu về đầu tư ngoài ngành, phải kể đến khoản đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng của công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào chứng khoán, tài chính, bất động sản….

Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng chi 1.828 tỷ đồng rót vào lĩnh vực khác như tài chính, chứng khoán, bất động sản… Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đầu tư ra ngoài 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; Tổng Cty Xi măng Việt Nam (Vicem) chi hơn 634 tỷ đồng.

 “Nếu thực sự quyết tâm thoái vốn thời điểm này, Chính phủ cần xác định cụ thể mức độ mất vốn có thể chấp nhận được. Tùy vào lĩnh vực mà có con số cụ thể, như với bất động sản có thể chấp nhận mất 30% vốn, nhưng ngân hàng có thể phải là 50%...”.  

Đại diện một tập đoàn kinh tế

Sau khi Chính phủ yêu cầu các “quả đấm thép” phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đến nay, EVN đã thoái vốn trị giá 1.079 tỷ đồng tại Cty CP Bất động sản Điện lực Nha Trang và đang tập trung thoái vốn tại Cty CP Bất động sản Sài Gòn Vina, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực... Dự kiến đến năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ hiện nay).

Phó Tổng GĐ Vinacomin Nguyễn Văn Biên cho biết, tập đoàn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng, 70 tỷ đồng vào chứng khoán, còn lại vào lĩnh vực bảo hiểm. “Thời điểm hiện nay giá cổ phiếu còn hơi thấp. Dự tính sẽ hoàn thành việc thoái vốn trong khoảng thời gian từ năm 2014 – 2015. Quan trọng là chờ đợi thời điểm giá tốt nhất sẽ tiến hành khớp lệnh để thu được giá trị cao hơn”, ông Biên nói.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng loay hoay với việc thoái vốn. Như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dù đã rao nhiều lần trong suốt tháng 9 và tháng 10 qua, nhưng chỉ bán được 373.500 cổ phiếu trong tổng số trên 1,06 triệu cổ phiếu SZL của Cty CP Sonadezi Long Thành (mà tập đoàn này đang nắm giữ).

Tình hình thoái vốn được dự báo không hề dễ dàng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khi phải thoái toàn bộ phần vốn đã đầu tư vào 37 doanh nghiệp (trong khi đến nay tập đoàn này mới hoàn tất thoái vốn tại 5 doanh nghiệp).

Tài sản xấu lại đòi bán giá cao

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một tập đoàn kinh tế thừa nhận, nếu làm quyết liệt, việc thoái vốn hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, sẽ trở thành bất khả thi nếu thực hiện đúng quy định doanh nghiệp không được bán lỗ phần vốn đã đầu tư ra bên ngoài.

“Từ năm 2010 đến nay, kinh tế bắt đầu đi xuống, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán gặp khó khăn. Thay vì ung dung ngồi thu cổ tức, việc đầu tư ngoài ngành trở thành gánh nặng cho nhiều đơn vị. Ngay cả lĩnh vực ngân hàng cũng hoàn toàn không còn là trái ngọt khi nợ xấu tăng cao, khó khăn chồng chất”, vị này nói.

TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, vướng mắc đầu tiên lại xuất phát từ quan niệm, cách nhìn nhận về vai trò của thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. “Thực tế, việc thoái vốn đang làm hiện nay có vẻ là để cắt lỗ.

Nghĩa là, những khoản đầu tư nào chưa lỗ thì chưa bán. Thậm chí ưu tiên bán khoản lỗ, khoản xấu trước. Ngay chuyện cắt lỗ này cũng đòi hỏi phải bán được với giá cao. Tài sản xấu, đã ít người mua lại đòi bán giá cao, sao làm được. Cho không, chắc gì người ta lấy”, ông Cung nói.

Đại diện Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến (Cục phó Tài chính Doanh nghiệp) khi đề cập về việc này, cho biết: Nếu muốn thoái các khoản đầu tư ngoài ngành (giá thấp hơn giá trị sổ sách), doanh nghiệp phải báo cáo và được chủ sở hữu chấp thuận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG