Nguyễn Hữu Tùng, SN 1979, làm trong xưởng đo lường (Nhà máy đạm Phú Mỹ). Trong 7 năm công tác, Tùng có hơn 20 sáng kiến sáng tạo kỹ thuật và nhận hàng chục bằng khen.
Tùng cho rằng phải có đam mê mới dám làm, dám dấn thân đến cùng để tìm hiểu những điều băn khoăn. “Thành công là biết vượt lên từ khó khăn”, Tùng chia sẻ. Nhà máy luôn trong tình trạng vận hành hết công suất, muốn hiểu kỹ một công đoạn trong quy trình, Tùng vướng nhiều thủ tục: Phải làm đề án đề xuất lên cấp trên để đối phó với trường hợp rủi ro khi dừng máy móc. Cũng may, cấp trên rất hiểu và khuyến khích những người trẻ như Tùng sáng tạo.
Tốt nghiệp ngành tự động hóa ở Ukraina, Tùng về làm việc tại Nhà máy đạm Phú Mỹ. Năm 2002-2003, nhà máy mới đi vào vận hành, công nghệ mới, hiện đại đòi hỏi những người trẻ như Tùng phải xông pha.
Tùng mất rất nhiều thời gian để làm quen với máy móc, nhiều đêm thức trắng cùng công nhân trong nhà xưởng để quan sát quy trình hoạt động và tìm hiểu công nghệ.
Không phụ công, sáng kiến đầu tiên của Tùng là về cảnh báo khối lượng sai số không hợp lệ tại trạm cân giao hàng trọng lượng 60 tấn thành công. Trong Cty, Tùng được đánh giá là người đa năng với những sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng cho nhà máy.
Một trong những sáng kiến Tùng tâm đắc và mất nhiều thời gian mày mò nhất là tìm ra nguyên lý đồng bộ thời gian các hệ thống điều khiển, thông tin trong nhà máy. Tùng được nhiều thợ trẻ tìm đến học hỏi phương pháp làm việc.
Sáng kiến làm lợi 3,4 tỷ đồng
Cao Văn Cường, SN 1980, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội chuyên ngành tự động hóa, chọn con đường về quê lập nghiệp tại Nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hoá). Còn trẻ, nên Cường ôm đồm nhiều việc. Cả việc không liên quan nhiều đến chuyên môn, nhưng phát hiện có vấn đề không ổn, Cường cũng mất ăn mất ngủ để trăn trở tìm giải pháp. Từ sự nhiệt tình cùng niềm đam mê sáng tạo, Cường tìm ra những giải pháp giúp cải tiến kỹ thuật làm lợi cho quy trình sản xuất theo dây chuyền của xí nghiệp.
Cường kể, ngoạn mục nhất là trong một đêm sáng tạo ra được một kỹ thuật giúp làm lợi cho Cty 3,4 tỷ đồng. Một lần máy móc đang vận hành bỗng lăn đùng ra chết do bị cháy cảm biến.
Thiết bị này phải nhập từ nước ngoài về, nếu không có sẽ phải dừng lò hoạt động với tổng chi phí thiệt hại rất lớn. Khi đó Cường liều mình xung phong đứng ra nhận trách nhiệm cứu máy.
Thức suốt một ngày đêm, Cường đã tìm ra giải pháp giúp máy hoạt động trở lại tạm thời. Bất ngờ trước sáng kiến của Cường, xí nghiệp thưởng nóng số tiền nhỏ để động viên. Sau này, sáng kiến được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật trao tặng giải thưởng khoa học công nghệ.
Cường cho rằng, nguyên lý thành công trong công việc là mối liên hệ chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tế. “Đọc nhiều tài liệu, giáo trình chuyên môn khi va vào thực tế bản thân sẽ nảy được nhiều ý tưởng.
Tuy nhiên, thực tế bao giờ cũng khó khăn hơn nhưng điểm cộng cho thành công chính là sự kiên trì và lòng đam mê khám phá”, Cường chia sẻ.
Khi mới về làm việc, Cường là kỹ sư ở xưởng điện tự động, nay được cấp trên tín nhiệm giao việc khó ở phòng năng lượng. “Người trẻ được giao việc khó cũng là một cuộc thử thách. Vượt qua thử thách là vượt qua chính mình”, Cường chia sẻ.