Thổ Nhĩ Kỳ xét xử nhân viên lãnh sự Mỹ âm mưu lật đổ chính quyền

Metin Topuz, 59 tuổi, phiên dịch cho cơ quan thực thi ma túy (DEA) tại lãnh sự quán Mỹ, đã bị xét xử với cáo buộc làm gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền.
Metin Topuz, 59 tuổi, phiên dịch cho cơ quan thực thi ma túy (DEA) tại lãnh sự quán Mỹ, đã bị xét xử với cáo buộc làm gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền.
TPO - Ngày 26/3, một nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul đã phải xuất hiện tại tòa vì cáo buộc làm gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc này vốn đã làm sứt mẻ quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO.

Phiên xét xử đối với Metin Topuz, phiên dịch  cho cơ quan thực thi ma túy (DEA) tại lãnh sự quán Mỹ, đã được mở ra tại Istanbul sau gần một năm rưỡi bị bắt giữ. Ông đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt.

Tham dự phiên điều trần kéo dài 3 ngày có sự tham dự của các nhà ngoại giao Mỹ như đại biện lâm thời Jeffrey Hovernier, Tổng lãnh sự Mỹ tại Istanbul Jennifer Davis. Phiên tòa sẽ còn kéo dài đến hết ngày thứ Năm.

Topuz bị buộc tội có liên kết với giáo sỹ người Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Mỹ Fethullah Gulen, người mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích đứng đầu âm mưu đảo chính vào năm 2016 và sẽ phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội.

Topuz, 59 tuổi, đã phủ nhận các cáo buộc. Ông nghẹn ngào nói: “ Tôi sẽ không bao giờ nghĩ rằng tôi bị đổ lỗi vì công việc dịch thuật của mình".

Vụ bắt giữ Topuz đã dẫn tới việc tạm dừng cấp thị thực giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn hai tháng hồi năm 2017 và là một trong những vấn đề gia tăng căng thẳng giữa Ankara và Washington.

Trong bản cáo trạng dài 78 trang, Topuz đã bị cáo buộc có liên hệ với các quan chức đứng đầu cuộc điều tra tham nhũng năm 2013 có liên quan tới các quan chức hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc những quan chức này có liên hệ với Gulen và âm mưu một cuộc lật đổ về mặt pháp lý thông qua cuộc điều tra này. Trong số 30 người khiếu nại chống lại Topuz có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các cựu bộ trưởng.

Phát biểu tại phiên xét xử, Topuz nói: “ Trong suốt 25 năm làm việc cho DEA, tôi đã gặp gỡ nhiều sỹ quan cảnh sát và các quan chức, trao đổi số điện thoại và danh thiếp”.

Topuz bắt đầu làm việc tại lãnh sự quán Mỹ vào năm 1982 với tư cách là một nhân viên trực điện thoại và được cấ nhắc làm trợ lý và phiên dịch cho nhân viên DEA người Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ 10 năm sau đó.

Ông giải thích rằng, công việc của ông cho DEA thường xuyên phải liên hệ với lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là cảnh sát chống ma túy trong các cuộc điều tra liên quan đến ma túy và trao đổi thông tin về cuộc chiến chống sử dụng ma túy. Topuz cho biết, ông cũng tham gia vào các hoạt động chuẩn bị an ninh trong các chuyến thăm của các tổng thống Mỹ.

Topuz lập luận rằng, các công tố viên chỉ nhìn vào các danh sách liên hệ của ông với các sĩ quan cảnh sát được cho là có liên quan đến Gulen, mà bỏ qua các cuộc trò chuyện của ông với hàng trăm sĩ quan khác.

Topuz cho biết, ông đã liên lạc với các công chức của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và không thể biết hoặc xác định được rằng các sĩ quan này có liên hệ với Gulen.

Bản cáo trạng bao gồm các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn văn bản, hình ảnh chụp màn hình các camera giám sát với  với các nhân viên cảnh sát bị nghi ngờ, cùng với lời khai của bốn nhân chứng và hai nghi phạm.

Ông cũng bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư và ghi dữ liệu cá nhân bất hợp pháp.

Nói chuyện với các nhà báo trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư của Topuz, ông Halit Akalp, cho biết đội ngũ bào chữa sẽ yêu cầu trả tự do cho thân chủ của mình.

Từng là đồng minh của Mỹ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố giáo sỹ Gulen và mạng lưới của ông ta là một nhóm khủng bố vào năm 2014 sau các cuộc điều tra chống tham nhũng. Hàng chục ngàn cảnh sát đã bị cách chức và nhiều người đã bị bắt vì cáo buộc có liên quan. Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu Mỹ cho dẫn độ Gulen về nước để xét xử. Gullen được biết đang sinh sống tại vùng núi Pocono ở Pennsylvania.

Theo AP
MỚI - NÓNG