Thơ lục bát 'thần đồng' của Trần Đăng Khoa với tôi

Thơ lục bát 'thần đồng' của Trần Đăng Khoa với tôi
TP - Tôi đã thuộc lòng hai câu thơ lục bát này trong trường ca “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa. Và mỗi khi có sự kiện, sự việc nào đó trong nước hay trên thế giới tưởng vững bền mà lại TAN tự nhiên tôi lại nhớ đến hai câu thơ đầy tính minh triết này. Một cậu bé học lớp chín trường làng viết được những câu thơ như thế nếu không phải “thần đồng” thì là gì?!

Cái còn, thì vẫn còn nguyên

Cái tan thì tưởng, vững bền cũng tan!

Tôi đã thuộc lòng hai câu thơ lục bát này trong trường ca “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa. Và mỗi khi có sự kiện, sự việc nào đó trong nước hay trên thế giới tưởng vững bền mà lại TAN tự nhiên tôi lại nhớ đến hai câu thơ đầy tính minh triết này. Một cậu bé học lớp chín trường làng viết được những câu thơ như thế nếu không phải “thần đồng” thì là gì?!

Gần đây có người chê bai, dè bỉu thơ lục bát, cho là đã quá thời, quá đát. Riêng tôi, thiển nghĩ tự thân thơ lục bát, hay bất cứ thể thơ nào mà ông cha mình đã sáng tạo ra, đã để lại cho hậu thế đều không lỗi thời; nếu có lỗi thời là ở cách cảm, cách nghĩ thiếu sáng tạo của người làm thơ mà thôi.

Trần Đăng Khoa nổi tiếng với những bài thơ trẻ con như “Hạt gạo làng ta”; “Đám ma bác giun”; “Tiếng võng kêu”; “Mưa”... Nhiều bài đã được đưa vào sách giáo khoa.

Ngày thơ Việt Nam vừa rồi, cháu nội tôi Dương Xuân Hiếu đang học lớp bốn cứ đòi đi với ông dù trời mưa, ướt át, lại còn nói muốn gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa nữa. Tôi hỏi vì sao cháu muốn gặp, cháu bảo vì đã đọc thơ chú Trần Đăng Khoa trong sách tiếng Việt.

Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến thơ lục bát đã in trong “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa” (Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành).

Bây giờ có người làm thơ về quê hương với nhiều câu, từ nghe to tát, ồn ào. Tôi lại nhớ tới những câu thơ lục bát của Trần Đăng Khoa viết về quê hương thật giản dị mà sâu xa, thấm vào hồn người:

“Mái gianh ơi hỡi mái gianh

Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” (Trích “Khúc hát người anh hùng").

Quê hương là vậy, là mái nhà tranh, là người mẹ hiền tần tảo sớm hôm.

“...Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ, bây giờ chưa tan

Khắp người đau buốt, nóng ran...”

“...Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong trái chín ngọt ngào đưa hương

Cả đời đi gió, đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi...” (Mẹ ốm)

“...Lá vàng còn ở trên cây

Nghe câu hát cũ dâng đầy hồn ta

Mẹ ơi xin mẹ đừng già

Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi...” (Trường ca “Khúc hát người anh hùng").

Nhiều hôm ở nhà vườn, nửa đêm thức dậy, thấy lành lạnh, nhìn ánh trăng thu qua cửa sổ, tự nhiên trong tôi bỗng ngân lên:

“Thu về lành lạnh trời mây

Bỗng nhiên tỉnh giấc, nào hay mấy giờ

Ánh trăng vừa thực, vừa hư

Vườn sau gió thổi, nghe như mưa rào” (Đêm thu)

Hay những đêm chớm thu:

“...Nghe trời trở gió heo may

Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau” (Chớm thu)

“...Hoa rơi trắng mảnh sân con

Ôi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương” (Hương bưởi)

Có thể vì tôi yêu thiên nhiên, nhiều năm nay gắn bó với thiên nhiên hoa lá bốn mùa nên yêu những câu thơ như thế chăng?!

Ngay cả bài thơ “Đồng chiều” in trong tuyển thơ Trần Đăng Khoa trước đây tôi chỉ đọc qua, nay đọc lại tôi mới cảm nhận hết cái dư âm của nó:

“Mặt trời chìm cuối đồng xa

Sương lên mờ mịt như là khói bay

Đất trời cách một gang mây

Và tôi cùng với luống cày tỏa hương”

Dưới bài thơ đề 1972, như vậy cậu bé Khoa năm ấy mới học lớp tám, rõ là “thần hứng”, điều mà chúng ta vẫn thường nói. Không có “thần hứng”; “thi hứng” làm sao có được những câu thơ nhiều dư ba như vậy ở một cậu bé? Ý tôi muốn nói, bây giờ hình như không ít người không có hứng vẫn làm thơ, đọc thơ chỉ thấy con chữ mà không có hồn chữ... Tình trạng thơ nhạt, thơ giả mà không ít người lắc đầu lẽ nào không làm cho chúng ta suy nghĩ?

Trước sau tôi vẫn nghĩ rằng người làm thơ trước hết phải có TÀI THƠ, nói giản dị là có năng khiếu về sáng tác thơ, chứ không phải ai cũng làm thơ được. Tất nhiên, ở xứ ta như nhiều người vẫn thường nói vui “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ”. Làm ra những câu có vần vè đọc cho bạn bè nghe, hay để tự mình thổ lộ tâm tư tất nhiên ai cũng có quyền. Nhưng, nhất nhất cứ gọi là thơ nghe làm sao ấy!

Tôi thường xuyên đọc thơ trên facebook, trên báo, trong sách để tìm những câu thơ hay theo ý mình, để khi tái bản cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2013) sẽ bổ sung. Có người làm rất nhiều nhưng nói thực... chưa thể gọi là thơ. Cũng chẳng sao. Nhưng, nếu những câu, những bài như thế được đăng lên báo - nhất là những tờ báo chính thống của làng văn thì quả thật không nên. Như vậy làm cho người yêu thơ nản, vì thật giả lẫn lộn, dần dần người ta xa lánh thơ, đó là điều đáng nói hơn cả, đáng lo hơn cả.

Hầu hết những câu thơ lục bát trên của Trần Đăng Khoa tôi thuộc lòng nhiều năm nay. Bởi vậy, tôi thiển nghĩ rằng thơ hay trước hết phải cuốn hút người đọc, người ta đọc thuộc lòng, như tôi, để mỗi khi có tâm trạng hợp cảnh, hợp tình, hợp người thì những câu thơ hay của người khác thực ra là nói hộ lòng mình.

Tôi nhiều tuổi hơn Trần Đăng Khoa nhưng có chút thân tình. Ấy là thời trẻ con, còn học trường làng tôi cũng có thơ đăng trên báo trung ương và in chung trong tập thơ “Bông hồng đỏ” (Nhà xuất bản Kim Đồng) cùng Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Chu Hồng Quý, Đoàn Thị Lam Luyến. Có lần phát biểu trên đài truyền hình Hà Nội, Trần Đăng Khoa nói: “Thời ấy người ta gọi chúng tôi là giàn thần đồng”. Gặp Trần Đăng Khoa, tôi bảo: “Chỉ có Khoa là thần đồng thôi”.

Anh ruột Trần Đăng Khoa, nhà thơ Trần Nhuận Minh nhiều năm làm  chủ tịch hội văn nghệ Quảng Ninh và đại diện cho báo Tiền Phong ở Quảng Ninh hồi tôi còn làm tổng biên tập. Phải nói là Trần Nhuận Minh biết cách tổ chức, tập hợp được nhiều cộng tác viên cho tờ báo, có nhiều bài viết tốt, góp phần làm tăng uy tín của báo Tiền Phong thời đó.

Có lần đi qua châu Âu bằng tầu hỏa, qua những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, đột nhiên tôi ngân lên: “Trời ơi vàng đến thế này / Mà sao đen bạc vẫn đầy thế gian” (Trần Nhuận Minh).

Một chút thân tình của tôi với anh em nhà thơ Trần Đăng Khoa nên tôi thường xuyên đọc các bài viết, nhất là thơ của Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa đăng trên báo và trong các tập thơ.

Trong bài này, qua những câu thơ lục bát của một cậu bé được gọi là  “thần đồng” thơ mà tôi quen biết để soi chiếu một chút về thơ hiện nay, với nhiều quan niệm, nhiều ý kiến, nhiều tranh cãi vẫn còn chưa sáng tỏ.

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...