Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân nước ta đã tổ chức ở Hà Nội hôm qua, 29/8.
Theo GS.TS Hoàng Đức Lượng (MoST) nếu chỉ trông chờ vào đội ngũ hiện có và các cơ sở đào tạo hiện nay, chắc chắn Việt Nam sẽ thiếu nghiêm trọng nhân lực cho ngành điện hạt nhân sau 14-15 năm nữa.
Theo hướng dẫn của Cơ quan Nguyên tử năng lượng quốc tế (IAEA), để xây dựng và đưa một nhà máy hạt nhân với công suất 1.000MW (megawatts) vào hoạt động, cần 3.500 – 4.500 người, trong đó có 500 – 700 chuyên gia (trình độ đại học và trên đại học), 700 – 1.000 kỹ thuật viên và 2.200 – 3.000 công nhân lành nghề.
Nói riêng nhóm chuyên gia, hiện tại, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEC) có 400 người. Nếu kể tất cả các đơn vị khác nữa, có thêm khoảng 200 chuyên gia. Nhưng đại đa số chuyên gia đều cao tuổi, nhiều trong số đó không chuyên về ứng dụng năng lượng, và hàng năm được trẻ hóa rất ít.
Về khối đào tạo, hai trung tâm đào tạo chính về ngành năng lượng hạt nhân là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đà Lạt mỗi năm đào tạo khoảng 30 sinh viên chuyên ngành hạt nhân. Nếu cộng tất cả các nơi khác, mỗi năm cũng chỉ có 70 sinh viên nhóm này tốt nghiệp.
Điều đáng nói nhất là, vẫn theo GS.TS Lượng, chương trình đào tạo của hầu hết các trường lạc hậu, không thống nhất, và nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin vào ngành hạt nhân vì lương thấp.
Nếu kịch bản xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW/ nhà máy được Chính phủ thông qua, thiếu hụt nhân lực điện hạt nhân còn trầm trọng hơn.
Đối phó với nguy cơ trên, các chuyên gia hạt nhân và Bộ Công nghiệp đề xuất xây dựng một trung tâm quốc gia với tổng đầu tư hàng trăm triệu USD chuyên đào tạo chuyên gia cho ngành này theo một chuẩn thống nhất.