Thiếu trách nhiệm trả nợ đất dịch vụ cho dân

Thiếu trách nhiệm trả nợ đất dịch vụ cho dân
TP - Bàn giao đất canh tác để thực hiện các dự án nhưng cả nghìn hộ dân Hà Nội vẫn đang mỏi mắt chờ đợi để được giao phần đất dịch vụ làm kế sinh nhai.

> Lãnh đạo phải trực tiếp đối thoại với dân

Trong khi đó, hàng loạt dự án đất dịch vụ triển khai chậm chạp, thậm chí có nguy cơ không thể thực hiện được song không ai chịu trách nhiệm.

Nhiều dự án đất dịch vụ của Hà Nội thi công chậm chạp hoặc bỏ hoang. Ảnh: N.H
Nhiều dự án đất dịch vụ của Hà Nội thi công chậm chạp hoặc bỏ hoang. Ảnh: N.H.

Dân “đỏ mắt” chờ đất

Hoài Đức là một trong các huyện có nhiều dự án đầu tư nhất ở khu vực phía tây Hà Nội, đặc biệt là các dự án bất động sản. Trong đó, nhiều xã như An Khánh, Vân Canh, Di Trạch, La Phù... gần như dân bị thu hồi hết đất sản xuất nông nghiệp.

“Chúng tôi phải bàn giao hết đất canh tác cho nhà đầu tư thực hiện dự án từ năm 2009, nhưng phần đất dịch vụ 10% tương ứng mà dân được hưởng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo huyện và thành phố giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho dân mà vẫn không tiến triển” - ông Hoàng Phúc ở xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) bức xúc.

Dù đang nợ hàng trăm hécta đất dịch vụ, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân, nhưng việc triển khai các dự án giao đất dịch vụ cho dân của Hoài Đức rất chậm.

Theo Ban GPMB huyện Hoài Đức, quy định trước đây các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp mà không còn đất sẽ được đền bù đất dịch vụ bằng 10% diện tích đất bị thu hồi.

Tổng cộng trên địa bàn huyện có khoảng 16.000 hộ dân đủ điều kiện hưởng đất dịch vụ với diện tích khoảng trên 200 ha. Trong đó, khoảng 140 hécta đã được phê duyệt từ khi còn tỉnh Hà Tây và đã GPMB xong, còn lại 70ha đã được chấp thuận địa điểm xây dựng.

Cụ thể, đến thời điểm này, huyện Hoài Đức mới hoàn thiện thủ tục thu hồi đất của 17 dự án với diện tích trên 160 ha, trong đó 5 dự án đang được triển khai thi công; 12 dự án đang lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Dù cân đối được quỹ đất dịch vụ nhưng vẫn có nhiều khó khăn khi triển khai. Ngoài khó khăn nguồn vốn, kinh phí để thực hiện thì một số dự án đất dịch vụ đang triển khai nhưng phải tạm dừng, vì quy hoạch phân khu chưa đề cập các dự án đất dịch vụ thực hiện trước đây. Chẳng hạn, xã Di Trạch theo quy hoạch phân khu có khoảng 16ha đất dịch vụ bị ảnh hưởng bởi trục Hồ Tây - Ba Vì và hồ nước, cây xanh nằm trong đồ án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Việc các quy hoạch chồng lấn khiến lãnh đạo xã Di Trạch lo ngại không còn đủ đất dịch vụ để đền bù cho người dân bị thu hồi đất” - lãnh đạo Ban GPMB huyện Hoài Đức cho biết.

Tương tự, tại huyện Mê Linh, hiện nay số lượng đất dịch vụ còn thiếu của các hộ dân lên đến gần 40 ha.

“Tổng diện tích đất dịch vụ huyện Mê Linh phải bố trí trả cho dân lên tới gần 68ha. Tuy nhiên, do bất cập liên quan chính sách GPMB và thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên hiện tại, huyện Mê Linh mới chỉ giải quyết được khoảng hơn 30 ha đất dịch vụ, số còn lại huyện vẫn đang cố gắng giải quyết” - ông Đào Trọng Phú, trưởng Ban GPMB huyện Mê Linh cho biết.

Cần 100 nghìn tỷ đồng làm hạ tầng

Trao đổi với PV, ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban GPMB TP Hà Nội cho biết: “Hiện đất dịch vụ ở các quận huyện như Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh… còn nợ dân rất nhiều. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương rà soát kỹ các đối tượng được cấp đất dịch vụ để có kế hoạch xây dựng, xác định vị trí để xây dựng hạ tầng bàn giao cho dân. Đồng thời, kiến nghị thành phố xem việc thực hiện các dự án này là tiêu chí xét thi đua trong GPMB”.

Ông Thiều cũng cho rằng, việc chậm giao đất dịch vụ không chỉ ảnh hưởng đến kế sinh nhai, đời sống của người dân bị thu hồi đất mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, thậm chí gây khiếu kiện khi GPMB.

“Dân thì người ta bàn giao đất cho các dự án nhưng phần đất dịch vụ họ được hưởng lại do chính quyền các quận, huyện làm chậm, bàn giao chậm. Trách nhiệm là do các quận, huyện, đáng lẽ họ phải rà soát, xác định vị trí, xây dựng hạ tầng để tiến hành bàn giao đất cho dân nhưng lại chậm triển khai nên cứ để tồn đọng và ngày càng khó khăn hơn” - ông Thiều nói.

Theo lãnh đạo Ban GPMB Hà Nội, có nhiều giải pháp để xử lý rốt ráo vấn đề đất dịch vụ. Thế nhưng hiện nay, nguồn lực để giải quyết đất dịch vụ không đơn giản.

“Sơ bộ tính số tiền làm hạ tầng các khu đất dịch vụ trên toàn TP có thể lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Một con số rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của các địa phương trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, đặc biệt khi thị trường bất động sản đóng băng kéo dài nên càng khó hơn. Một số huyện đề nghị TP cho để lại 100% tiền sử dụng đất của các dự án đô thị nộp còn thiếu hoặc cho phép quy hoạch một số khu đất để đấu giá nhưng trong bối cảnh hiện nay việc này không dễ chút nào” - một cán bộ phân tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, quan điểm của TP là tập trung giải quyết dứt điểm để trả hết đất dịch vụ cho dân. Vì thế, TP sẽ huy động cả từ ngân sách và người dân để làm và trước mắt tập trung hệ thống giao thông, hạ tầng cho các khu đất.

Thành phố đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện trong 6 tháng đầu năm 2012 phải hoàn thiện xong việc cân đối, xác định quỹ đất, địa điểm các khu đất để xây dựng hạ tầng, sớm giao đất cho các hộ gia đình.

Đặc biệt, việc giao đất cho các hộ gia đình (kể cả việc quyết định giao đất trên bản đồ, chưa bàn giao đất trên thực địa) phải xong trước tháng 6-2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG