Nghiên cứu do Đại học Bristol thực hiện dựa vào thực tế hiện nay là con người quá bận rộn và thường có suy nghĩ sẽ ngủ bù vào các ngày cuối tuần. 552 người tham gia nghiên cứu cho thấy người thiếu ngủ 30 phút mỗi ngày và thường ngủ bù vào cuối tuần có 72% nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh khác.
Những người khó ngủ trong vòng 6 tháng sẽ tăng đáng kể insulin - nguyên nhân dẫn đến tiền đái tháo đường và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp II. Bệnh tiểu đường gây suy giảm thị lực, các cơn đau tim, đột quỵ và gây tổn thương các dây thần kinh, mạch máu. Ngủ không đúng giờ dễ làm mất cân bằng nội tiết tố.
Tháng trước, các nhà khoa học tại các trường Oxford, Cambridge, Harvard, Manchester cũng cảnh báo việc thiếu ngủ/ngủ ít có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
"Thực tế loài người mất 4 tỷ năm để tiến hóa và chúng ta phải sinh hoạt theo chu kỳ của ánh sáng, sáng - tối", giáo sư Ruse Foster, Đại học Oxford nói.
Các loài đều có nhịp sinh học đồng bộ các chức năng của cơ thể theo mô hình 24 giờ của trái đất. Nó được quy định bởi các giác quan, quan trọng nhất là mắt có thể cảm nhận được ánh sáng, bóng tối và sự thay đổi nhiệt độ được da cảm nhận. Song con người thường đi ngược lại nhịp sinh học và điều này không hề tốt. Thêm vào đó công nghệ hiện đại cũng là một phần nguyên nhân gây ra việc thiếu ngủ.
Theo giáo sư Charles Czeisler ở Đại học Harvard, ánh sáng của các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính… có thể phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể. Chúng là những ánh sáng màu xanh có bước sóng ngắn. Tiếp xúc với nó sẽ gây trì hoãn việc sản sinh hoóc - môn melatonin gây buồn ngủ và khiến chúng ta khó tỉnh giấc vào buổi sáng.