> Thi Sao Mai giống thi đại học!
> Thí sinh Sao Mai làm 'đại sứ' văn hóa Việt
Quá nhiều bài nhạc chậm được phối khí theo cùng một lối với dàn nhạc “bán dân tộc”. Quá thừa các bài hát mang hơi hướng dân ca miền Trung, không có màu sắc Nam bộ. Thí sinh nào cũng áo dài cách điệu xếp hàng ra hát. Cách hát chủ yếu là pha trộn giữa kỹ thuật thính phòng (opera) và một tinh thần dân gian chung chung, không tách bạch là chèo hay ca trù... Có thí sinh có vẻ đã chệch hướng khi xử lý một bài mang màu sắc ca trù như Chiều phủ Tây Hồ thành chèo.
Lê Văn Hoàng (CH Séc) làm không khí rộn ràng hơn chút khi dự thi bằng 2 bài tiết tấu nhanh mang âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc. Thí sinh này mới chuyển từ phong cách thính phòng sang nên mùi dân gian chưa đậm lắm. Hồ Thanh Tùng đang học ngành truyền thông ở Nga, sau khi tham gia giải Sao Mai thì nảy ra ý định sau này về nước thi vào Nhạc viện. Hai thí sinh nam của đêm chung kết về từ châu Âu, đều ngoại đạo với âm nhạc. Dù bị loại nhưng họ gây ấn tượng tốt với cách hát khá thoải mái, không đóng hộp như các thí sinh được đào tạo.
Trong bối cảnh khá đơn điệu về phong cách âm nhạc, Ngô Thị Phương Thúy (Bắc Ninh) xứng đáng là cái tên đầu tiên được xướng lên trong số 4 thí sinh đi tiếp. Cô hát chắc chắn, không bị lộ kỹ thuật thính phòng. Cô không quanh quẩn trong những bài ca muôn thuở miền Trung của vài nhạc sĩ quen thuộc, mà chọn tác phẩm của 2 tác giả tạm gọi là underground- tức là chưa được biết đến rộng rãi trong vai trò nhạc sĩ.
Tiếng Việt của Nguyễn Lê Tâm và Đàn cò của Ngô Hồng Quang góp phần quan trọng làm nên sự nổi bật của Phương Thúy. Đặc biệt, nghệ sĩ đàn dân tộc Ngô Hồng Quang đã kéo cả một dàn các cây nhị vận đồ nâu sồng vào đệm cho bài Đàn co khá hiệu quả và ấn tượng.
Các ca sĩ theo đuổi dòng dân gian bây giờ có vẻ nhiều, nhưng cửa ra là các cuộc thi chỉ có Sao Mai. Vì thế, thanh sắc thôi chưa đủ, phải có sự tìm tòi và cái riêng thì mới bật lên được. Phương Thúy chỉ xếp thứ 4 về điểm số ở vòng chung kết phía Bắc. Dự kiến mỗi vùng lấy 3 thí sinh vào chung kết toàn quốc dòng dân gian. Nhưng do chất lượng thí sinh phía Nam hơi lép, nên BTC chỉ lấy 2 và vớt thêm Phương Thúy từ phía Bắc vào.
Đào tạo qua loa
Ca sĩ Tân Nhàn, người phụ trách huấn luyện 2 thí sinh châu Âu, tỏ ý tiếc cho Hồng Duyên và Linh Hoa. Về Hồng Duyên, Tân Nhàn nhận xét: “Chất nghệ sĩ cao và rất khá về chuyên môn”. Linh Hoa thi Sao Mai lần thứ hai, nhưng vẫn chưa thực sự bứt phá, lại không may, gặp đúng kỳ có quá nhiều đối thủ ngang tài ngang sắc.
Theo thông tin từ NSND Thanh Hoa, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) thời chị theo học từ 1966 đến 1970, bên cạnh hệ thanh nhạc thông thường (tức là opera), còn có thanh nhạc dân tộc. Theo dòng này, Thanh Hoa được học nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân giỏi về chèo, ca trù, ca Huế, kể cả trống quân, bài chòi...
Khoa Thanh nhạc bây giờ đơn thuần là nơi lưu giữ kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây. Lác đác một vài giảng viên có tên trong dòng dân gian như Tân Nhàn thì tư vấn thêm cho sinh viên về cách kết hợp thính phòng với dân gian, còn đâu sinh viên phải tự bơi. Tân Nhàn cho hay, khi học ở bậc Trung cấp, cô cũng được học môn Dân ca, nhưng giáo viên không phải là nghệ nhân hay từ các đoàn nghệ thuật dân tộc sang. NSND Thanh Hoa dạy môn tương tự cho hệ Đại học của Đại học VHNT Quân đội, nhưng môn này cũng chỉ chiếm 20 tiết.
Trong số 4 thí sinh dân gian lọt vào đêm chung kết xếp hạng 31/8 có Thùy Dung (Quảng Ninh) nổi bật về nhan sắc. Sao Mai dân gian năm nay không thiếu giọng tốt, nhưng cuối cùng hoa khôi vẫn là người may mắn, khi lần thứ hai được giải khán giả bình chọn và được BGK đưa luôn vào vòng trong. |