Rời trung tâm TP Đà Lạt, sau khi đổ đèo Prenn hơn 4km, chúng tôi rẽ phải theo con đường nhựa ngoằn ngoèo với độ dốc lớn ôm sườn núi Phượng Hoàng để viếng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Ngôi chùa thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử này gây ấn tượng đặc biệt bởi cảnh quan thiên nhiên thanh thoát với trời mây non nước bao la, rừng thông tuyệt đẹp. Các công trình kiến trúc cổ độc đáo kết hợp hài hòa với kiến trúc đương đại Á Đông đẹp mắt thấp thoáng trong rừng thông, tạo nên không gian thanh bình, yên tĩnh.
Thiền viện dựa vào núi Phượng Hoàng |
Kiến trúc sư (KTS) Trần Đức Lộc, lúc bấy giờ là Trưởng phòng Quy hoạch Sở Xây dựng Lâm Đồng, là người giới thiệu địa điểm này để xây thiền viện. “Hồi đó chưa có quy hoạch chung Đà Lạt, chỉ có tấm bản đồ địa hình. Tôi cùng Hòa thượng Thích Thanh Từ và một số người nữa chống gậy lần mò theo bản đồ để leo núi Phượng Hoàng, tưởng tượng viễn cảnh tương lai của thiền viện”, KTS Lộc hồi tưởng.
Thiền viện được chia làm 4 khu vực chính, bao gồm ngôi chánh điện ở vị trí trung tâm, nội viện ni (dành cho nữ tu), ngoại viện và tịnh thất hòa thượng. Nội viện là nơi chuyên tu, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nếu lên chùa từ phía hồ Tuyền Lâm, du khách leo lên hàng trăm bậc thang bằng đá mát rượi bởi hai bên là những rặng thông cao vút dẫn qua 3 cổng tam quan để vào chánh điện.
Trần chánh điện được lợp bằng ngói tráng men sáng loáng, mái ngói uốn nhẹ toát lên nét khiêm cung của người Việt và nét thanh thoát của nhà thiền. Bên trong chánh điện, giữa khoảng không gian cao rộng ngập tràn ánh sáng, chỉ tôn trí một pho tượng Đức Phật Bổn sư cao khoảng 2m với đường nét linh hoạt lạ thường, tay cầm hoa sen đưa lên.
Một góc nội viện ni |
Từ trên chánh điện nhìn xuống là hồ Tĩnh Tâm với làn nước trong xanh in bóng rặng thông bên đồi Thanh Lương. Ở lưng chừng đồi, gần hồ Tĩnh Tâm là nhà khách 2 tầng với khu vườn xanh mát, nơi nhiều người đến tu tập ngắn hạn. Từ sân nhà khách có thể thấy đỉnh núi voi phục hùng vĩ soi bóng xuống hồ Tuyền Lâm thơ mộng.
Phía bên phải của chánh điện là lầu chuông được chạm khắc phù điêu rất tinh xảo và đẹp mắt mang ý nghĩa sâu sắc của Phật giáo. Bên trong có đại hồng chung cao gần 2m, nặng hơn 1 tấn, do các nghệ nhân đúc đồng ở Huế chế tác. Quanh mặt chuông có khắc bài thơ thấm đẫm triết lý nhân sinh của Trúc Lâm Đầu Đà. Đây là pháp danh của vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) khi xuất gia đầu Phật, tổ sư của phái Thiền tông Việt Nam.
Trong khuôn viên Thiền viện có nhiều loài hoa đẹp, giống hoa lạ, quý hiếm, được các hòa thượng và phật tử mang từ khắp nơi trên thế giới về ươm trồng. Thấp thoáng trong những khu vườn rực rỡ sắc hoa là tượng Phật bà Quan âm và những bia đá được chạm khắc từ xa xưa, những quả cầu pha lê trong suốt… tạo thêm điểm nhấn cho ngôi chùa.
Không chỉ là chốn tu hành, hàng chục năm qua, thiền viện Trúc Lâm thu hút nhiều du khách và những người mộ đạo trong và ngoài nước đến chiêm bái, vãng cảnh. Mỗi năm, thiền viện còn đón hàng trăm tín đồ đến nghiên cứu và học tập về thiền tông, dòng thiền mà vua Trần Nhân Tông đã sáng lập ra cách đây hơn 700 năm.
Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt rộng hơn 23ha, được khởi công năm 1993 và khánh thành năm 1994, do nhiều Kiến trúc sư (KTS) tham gia phác họa tổng thể kiến trúc, thiết kế các hạng mục…, trong đó có KTS nổi tiếng Ngô Viết Thụ.