Thiền sư Lê Mạnh Thát lý giải bài thơ Thần

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã đành một GS Lê Mạnh Thát phong sương kinh lịch nổi danh cái công phát lộ nhiều sự thật của lịch sử Đại Việt hàng ngàn năm bị che lấp hoặc bị hiểu sai lệch. Nhưng vẫn hơi giật mình trước một kiến giải bất ngờ! Ấy là GS hơi bị có lý khi minh chứng, khẳng định Pháp sư kiêm thi sĩ Đỗ Pháp Thuận, tác giả “Quốc tộ - Vận nước” chính là tác giả của bài thơ THẦN - Nam quốc sơn hà…!

Từ QUỐC TỘ - Vận nước…

Bao năm rồi luôn có cảm giác choán chiếm khâm phục một vị Thiền sư mà vua Lê Đại Hành đã phải mời về triều làm cố vấn. Ấy là Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước. Nhỏ đã xuất gia, sau khi đắc pháp, sư nói ra lời nào cũng phù hợp với sấm ngữ.

Buổi đầu, Thiền sư đã giúp nhà Tiền Lê sáng nghiệp, nhưng ngài không nhận phong thưởng, chức tước. Vì thế, vua Đại Hành càng kính trọng. Vua kiêng không gọi tên mà gọi ngài là Pháp sư! Được vua cử phụ trách đoàn ngoại giao tiếp sứ nhà Tống, Pháp Thuận từng khiến sứ nhà Tống phải nể sợ!

Lê Đại Hành, một kiệt hiệt Đại Việt, vị vua mà sử thần Ngô Sĩ Liên từng phải tấm tắc “Đến Hán Đường cùng chả hơn được!”

Thiền sư Lê Mạnh Thát lý giải bài thơ Thần ảnh 1

Thiền sư Lê Mạnh Thát bên chuông Thanh Mai

Ấy thế mà Ngài từng phải rón rén hỏi Thiền sư Pháp Thuận, vị cố vấn của mình kế sách giữ nước trong đó có câu Quốc tộ trường đoản (Vận nước dài, ngắn thế nào?)

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

Đằng lạc là thế nào?

Từng hoang mang khi thưởng lãm nhiều vị túc nho đã dịch lẫn chú chữ đằng!

Đằng là giống cây leo có sức trùm lên cả cây cổ thụ chót vót hàng chục mét. Rằng người xưa lấy đằng lạc làm biểu tượng của văn chương lẫn thư pháp.

Tự dưng thấy nổi da gà khâm phục chữ dịch của thày Trần Quốc Vượng năm xa rằng, trời ơi đó là thứ cây mây!

Đằng lạc là chỉ cái bụi mây của người Việt!

Mây? Vâng, cái giống mây gai thường mọc thành bờ rào bện chặt quấn lấy nhau chó chui còn khó! Nhiều cây mây hợp nên búi mây. Lắm búi tạo thành bờ rào mây gợi ngay trực giác của sự chắc chắn, vững chãi, kín đáo. Búi mây ví như việc nước như quốc sự như vận nước quả là một sáng tạo của Pháp Thuận thiền sư.

Thiền sư Lê Mạnh Thát lý giải bài thơ Thần ảnh 2
Thiền sư Lê Mạnh Thát lý giải bài thơ Thần ảnh 3

Bài “Quốc tộ…” (trên) và “bài thơ THẦN”. Thủ bút của Xuân Ba

Nhân đây cũng mở thêm cái ngoặc về chữ Lý trong Nam thiên lý thái bình. Chữ ly ở đây có bộ y. Nhiều bản chép bài ngũ ngôn này đã nhầm chữ lý (dặm) nên hiểu thành ngàn dặm nước (trời) Nam thái bình.

LÝ ở đây là bên trong, là toàn bộ, là tổng thể đất nước. Nên hiểu, ngoài khái niệm đất nước ta hoàn toàn thái bình, Pháp sư còn một thông điệp nữa là khuyên người đứng đầu quốc gia phải làm sao để (giữ) được đất nước ta luôn trong trạng thái hòa bình.

Câu thứ 3 là cả một sự hàm súc lẫn rắc rối.

Chữ VÔ VI được không ít học giả diễn dịch rậm lời theo khái niệm của Phật, Đạo và Lão giáo. Có lẽ cũng chả thừa và rộng đường cho sự tham chiếu. Nhưng theo thiển ý của người viết bài này, ý tứ câu thứ 3 cũng là một lời khuyên của vị quốc sư.

Vô vi đây hàm chứa cái nghĩa thư thả, nhàn nhã không tất bật, rối loạn? Triều đình (điện các) nơi đầu não giải quyết những vấn đề chính sự, phức tạp nan giải cấp bách mà vua quan luôn giữ được sự thư thả yên bình, không khí hòa thuận thì lại cũng chẳng sướng sao? Thì là yên ổn thái bình chứ còn gì nữa?

Toàn bộ bài QUỐC TỘ toát yếu nên sự mộc mạc như lời ăn tiếng nói dân gian Đại Việt cách nay gần ngàn năm.

Kẻ thô lậu này không dám nói là dịch mà chỉ xin phép được chuyển thành nhời nôm như này.

Vận nước như mây cuốn

Trời Nam luôn thái bình

Thong dong nơi triều chính

Đất nước bặt đao binh.

Đến bài thơ THẦN - Nam quốc sơn hà

Mới đây, tôi lại có chút duyên được Thiền sư Lê Mạnh Thát tặng cho bộ sách ba cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam mới tái bản có sửa chữa, bổ sung.

Đã đành một GS Lê Mạnh Thát phong sương kinh lịch nổi danh cái công phát lộ nhiều sự thật của lịch sử Đại Việt hàng ngàn năm bị che lấp hoặc bị hiểu sai lệch. Nhưng vẫn hơi giật mình trước một kiến giải bất ngờ!

Ấy là GS hơi bị có lý khi minh chứng, khẳng định Pháp sư kiêm thi sĩ Đỗ Pháp Thuận, tác giả “Quốc tộ - Vận nước” chính là tác giả của bài thơ THẦN - Nam quốc sơn hà…!

Dẫn ra cùng kiệt những chứng cứ cùng lập luận khoa học của Thiền sư Lê Mạnh Thát thì phạm vi bài báo nhỏ này không thể. Nhưng tựu trung có mấy điểm như này.

Như nhiều người đã tường về quân xâm lược nhà Tống hùng mạnh, cuộc chiến tranh do Triệu Khuông Dẫn phát động. Khởi đầu cho việc đao binh xâm lược là lời đe nẹt, dọa dẫm trong thư gửi vua Lê Đại Hành tháng 8 năm Canh Thìn 980 của vua nhà Tống.

“Ta đang chuẩn bị ngựa xe binh mã! Nếu quy phục, thì ta tha cho. Nếu trái lệnh thì ta đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, ngươi tự xét lấy” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Lê Đại Hành đã cùng khối đoàn kết toàn dân có sự giúp rập hết lòng của các tướng Phạm Cự Lượng các quân sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Khuông Việt… đã kết thành sức mạnh chôn vùi giấc mộng của quân xâm lược! Với trận Chi Lăng (giết Hầu Nhân Bảo) bắt sống bọn Quách Biện, Triệu Phụng Huân… Sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền thì đây là chiến thắng lần thứ 2 có ý nghĩa chiến lược quyết định. Nhờ thế, Đại Việt đã có gần 100 năm hòa bình để xây dựng.

Trở lại những trận đánh quyết liệt cự giặc do chính vua Lê Đại Hành thân chinh chỉ huy.

Trước và trong trận đánh, sách Lĩnh Nam chích quái (LNCQ, một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Chưa rõ tác giả là ai. LNCQ chứa đựng nếp sống tâm linh, triết lý sống của người Việt, một loại thánh kinh của tín ngưỡng Việt. Đa số các nhân vật trong LNCQ là thần thoại nhưng lại có đền thờ hẳn hoi, và nhân dân vẫn thành tâm lễ bái cho đến ngày nay) chép cụ thể công việc chuẩn bị tư tưởng cho quân sĩ của vua Lê Đại Hành.

“Triều Hoàng đế Đại Hành nhà Lê năm Tân Tỵ ( 981) Tống Thái Tổ sai bọn Hầu Nhân Bảo Tôn Hoàng Hưng đem quân xâm lược nước Nam. Vua Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng đóng quân ở sông Đồ Lễ (Như Nguyệt) để chống lại. Hai bên đối lũy giữ nhau.

Vua Đại Hành ban đêm mơ thấy hai vị thần xưng là Trương Hống, Trương Hát là tướng của Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế. Nay thấy quân Tống vào cõi làm khổ sinh linh nước ta nên bọn thần đến xin cùng vua đánh giặc để cứu sinh linh.

Vua kinh ngạc thức dậy gọi bọn bề tôi hầu cận nói “Đây là thần giúp ta vậy”.

Đến đêm hôm sau vua lại mơ thấy hai thần nhân ấy áo mão đến xin trợ giúp trận đánh ngày mai.

Vua cho lập đàn cúng tế nhị vị thần linh cẩn trọng.

Trận huyết chiến với quân Tống diễn ra ác liệt vào canh ba ngày 23 tháng 10 năm 981. Trời tối mịt mùng. Gió lớn mưa tuôn. Bỗng dưng từ trên thinh không, lừng lững bảng lảng hai vị thần dật dờ ẩn hiện cùng lời thơ văng vẳng.

Nước Nam sông núi vua Nam ở/ Rành rẽ phân chia tại sách trời/ Giặc nghịch sao nay dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời (Lĩnh Nam chích quái có chép thêm 4 câu thơ chữ Hán - Nam quốc sơn hà Nam đế cư…)

Quân Tống thấy vậy kinh hãi chen chạy tứ tán đại bại phải rút chạy.

Vua Đại Hành mừng thắng trận phong cho hai nhân thần là Đại vương và lập Đền bên sông Như Nguyệt sai dân ven sông phụng thờ đến nay vẫn còn”.

Đây là thông tin đầu tiên về bài thơ THẦN xuất hiện và được đọc - vang lên trong cuộc kháng chiến năm 981 và liên quan đến vua Lê Đại Hành.

Nhưng khi Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên xuất hiện, Ngô Sĩ Liên đã đưa bài thơ ấy (tờ 9b2-8) gán cho cuộc kháng chiến năm 1076 của Lý Thường Kiệt. Từ đó đã xuất hiện một tồn tại một ngoa truyền rằng bài thơ THẦN ấy là của Lý Thường Kiệt!

Theo Lê Mạnh Thát, so với Đại Việt sử ký… thì LNCQ có một tính cổ sơ và văn bản đáng tin cậy hơn Toàn thư! Vì thế bài thơ THẦN phải được coi là xuất hiện dưới thời vua Lê Đại Hành trong cuộc chiến chống quân Tống năm 981 chứ không phải là trong cuộc chiến tranh năm 1076 của Lý Thường Kiệt.

Xác định thời điểm ra đời của bài thơ như thế không những phù hợp với nội dung ý nghĩa bài thơ như một Tuyên Ngôn Độc Lập mà còn phù hợp với cung cách cuộc chiến tranh Vệ quốc của vua Lê Đại Hành. Bài thơ, dạng Tuyên ngôn độc lập, cho vua Tống biết sự độc lập tự chủ của nhà nước Việt Nam! Rằng nhà nước đang làm chủ đất nước ấy từ thời Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán năm 939 cho đến khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế vào năm 968 mà những người lãnh đạo Đại Việt chưa có cơ hội để công bố!

Vậy nên, nếu coi bài thơ THẦN ấy xuất hiện vào năm 1076 thì thật lạ lùng! Bởi nước ta độc lập đã gần 2 thế kỷ mới có Tuyên ngôn độc lập sao? (Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trang 517).

Thiền sư cũng dẫn thêm hai bộ sử viết bằng tiếng Việt là Việt sử diễn âm và Thiên Nam ngữ lục được viết vào thế kỷ 16 và 17. Hai bộ sử đều thống nhất và có chung một kết luận về lai lịch của bài thơ THẦN này.

… Bỗng nghe mảng tiếng hư không/ Thần nhân hiện xuống có thơ ngâm rằng. Thi văn- Trích- dẫn thơ. Nam quốc sơn hà Nam đế cư…

(Trích trong Việt sử diễn âm)

Còn trong Thiên Nam ngữ lục gần như tiếp thu quan điểm của Việt sử diễn âm.

Bấy giờ binh mã sửa sang/ Địch cùng Nhân Bảo là thằng giặc Ngô…

Ngày sau Nhân Bảo ra quân/ Trên không nghe tiếng người ngâm thơ rằng. Thi văn- Trích- dẫn thơ. Nam quốc sơn hà Nam đế cư… (Sdd, trang 521).

(Cũng cần nói thêm, theo GS Trần Ngọc Vương, trong một công trình nghiên cứu khác đã dẫn ra các địa danh hiển linh của hai vị nhân thần Trương Hống, Trương Hát từng trợ giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống. Tại những nơi ấy, qua nhiều triều đại đã có hàng chục tấm bia khắc, chép bài thơ THẦN Nam quốc sơn hà…).

Cuối cùng, Thiền sư GS Lê Mạnh Thát cho rằng, vấn đề dù là thơ Thần đi nữa cũng phải do con người làm ra! Phải thông qua con người cụ thể nào đó để đọc lên.

Vậy thì ai có khả năng làm bài thơ này?

Để trả lời câu hỏi này trong số những nhân vật trong Bộ tham mưu của Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 981, không ai có điều kiện gần gũi nhà vua hơn Thiền sư Pháp Thuận, người tham gia vận trù kế sách ngay từ lúc vua Lê Đại Hành sáng nghiệp.

Hơn nữa nếu những văn thư ngoại giao dưới triều vua Lê Đại Hành đều do Pháp Thuận soạn thảo thì chứng tỏ Pháp Thuận sáng tác bài thơ THẦN là một kết luận hợp lý!

Bài thơ đã hòa nhập nhuần nhuyễn và thể hiện được khuynh hướng nổi bật của dòng văn học thời sự chủ lưu các thế kỷ ấy. Khuynh hướng văn học nổi bật này đã đã chi phối gần 300 năm phát triển của văn học Việt Nam với sự tập trung cao độ nóng bỏng nhất của dân tộc thời bấy giờ là vấn đề làm chủ đất nước!

Vì những lẽ trên, đã đến thời điểm trả lại bài thơ THẦN về cho cuộc chiến tranh Vệ quốc năm 981 của vua Lê Đại Hành?

MỚI - NÓNG