Thị trường văn phòng cho thuê phục hồi trở lại

0:00 / 0:00
0:00
Trong quý I/2021, thị trường văn phòng cho thuê tại Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM đã có sự tăng trưởng đáng kể, bất chấp tình hình dịch bệnh trên thế giới đang có diễn biến phức tạp.

Tăng trưởng ấn tượng

Dữ liệu của Savills Việt Nam trong Báo cáo Tổng quan Thị trường Hà Nội quý I/2021 cho thấy thị trường văn phòng Hà Nội hoạt động ổn định, phân khúc hạng A có tăng trưởng nguồn cung lớn nhất theo năm với 24%, và 33 USD/m2/tháng là giá thuê trung bình cho phân khúc hạng A tại thị trường Hà Nội giữ ổn định ngay cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết con số 33 USD/m2 là số liệu bình quân cả thị trường hạng A, bao gồm những tòa nhà có lỷ lệ lấp đầy thấp (20-30%) và những tòa nhà có tỷ lệ lấp đầy cao (80-90%). Thực tế thì mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Savills cũng ghi nhận số lượng giao dịch của các tòa nhà văn phòng trong năm 2020 và quý I/2021 cao đến 40% so với cùng thời điểm năm 2019.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cũng nhận định phân khúc văn phòng cho thuê quý I/2021 tại Hà Nội và TP.HCM đã có sự tăng trưởng ấn tượng dù trong năm qua, phân khúc này đứng trước nhiều áp lực thu hẹp mô hình do dịch bệnh Covid-19.

Theo bà An, dấu hiệu phục hồi của thị trường văn phòng Hà Nội có phần rõ nét hơn so với TP.HCM, khi trong quý đầu năm 2021, tổng diện tích hấp thụ đạt 24.000 m2 (cả năm dự kiến ở mức 70.000 - 80.000 m2), cao hơn so với con số 19.600 m2 của TP.HCM.

So với thị trường văn phòng các nước khác thì nguồn cung của thị trường văn phòng Hà Nội được đánh giá là thấp hơn so với Singapore hay Bangkok, Thái Lan. Chính bởi yếu tố giá thuê thấp hơn so với các nước trong khu vực trong khi tiềm năng phát triển kinh tế rất tốt, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng phát triển thị trường văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM. Do đó, tỷ lệ lấp đầy vẫn cao mặc dù rằng trước đó thị trường chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Đơn cử như Tổ hợp Văn phòng và thương mại dịch vụ Geleximco Peakview Tower. Đại diện chủ đầu tư cho biết trong những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ lấp đầy tại Peakview Tower vẫn chiếm trên 90% và gần như không bị ảnh hưởng nhiều.

Sức sống từ nền tảng tốt

Lý giải điều này, một số chuyên gia nhận định những văn phòng hạng A như Peakview Tower, ngoài yếu tố khan hiếm thì sự đảm bảo các tiêu chí về vị trí, công năng, chất lượng vận hành… cũng là lý do giúp phân khúc này “sống tốt” trong đại dịch.

Peakview Tower được xây dựng trên khu đất 36 Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Đây là vị trí trung tâm hành chính mới của quận Đống Đa, là khu vực sầm uất với tốc độ phát triển nhanh chóng về hạ tầng xã hội. Ở vị trí này, Peakview Tower được thụ hưởng đầy đủ các tiện ích do vị trí đắc địa của nó mang lại cùng khả năng kết nối thuận lợi tới những khu vực trọng điểm của Thủ đô.

Công trình với 21 tầng nổi có tổng diện tích sàn xây dựng là 49.040m2, trong đó hơn 1200m2 tại tầng 1 cùng lối tiếp cận độc lập dành cho Thương mại. Phần diện tích các tầng còn lại dành cho Văn phòng làm việc chất lượng cao, cùng các chức năng bổ trợ tiện nghi như nhóm Hội trường, hội thảo có sức chứa lên đến 400 người; nhà hàng với hơn 600m2; 3 tầng hầm được kiểm soát bằng hệ thống ra vào tự động. Peakview Tower còn được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ với độ tin cậy cao từ các hãng danh tiếng thế giới.

Nhưng không chỉ có các phân khúc hạng A như Peakview Tower, khi nhận định chung về thị trường văn phòng trong dài hạn, nhiều chuyên gia đều cho rằng TP.HCM và Hà Nội sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt khi mà Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Châu Á.

Trong khu vực ASEAN, giá thuê của TP.HCM và Hà Nội chỉ xếp sau Singapore. TP.HCM có tình hình hoạt động tốt nhất khu vực với công suất hoạt động 96% và giá thuê tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực văn phòng cho thuê được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2021 khi giá thuê giữ được xu hướng tăng ổn định, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam tiếp tục dồi dào và ít rủi ro khi đầu tư.

Việt Nam với chính sách tiền tệ linh hoạt và việc ngăn chặn Covid-19 hiệu quả đã mang lại nhiều lợi thế cho thị trường văn phòng. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có khoảng thời gian giãn cách xã hội tương đối ngắn và hầu hết doanh nghiệp vẫn tương tác trực tiếp trong suốt phần lớn năm 2020 cho thấy, nhu cầu thuê sàn văn phòng ở Việt Nam sẽ còn tăng.

MỚI - NÓNG