> Việt Nam tiếp tục rớt hạng năng lực cạnh tranh
> Xử lý trên 2.000 vụ vi phạm hàng hóa dịp Tết
> Tăng trữ để giữ hàng Tết
710 điểm bình ổn giá
Theo Sở Công thương, đến thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn Hà Nội cơ bản xong kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, với cam kết lượng hàng đầy đủ, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Cụ thể, việc dự trữ hàng hóa được giao cho 15 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá trên địa bàn.
Trong đó, doanh nghiệp tập trung dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 9 nhóm hàng thiết yếu với số lượng hàng hoá như: gạo trắng 6.000 tấn; thịt lợn 900 tấn; thịt gà vịt 350 tấn; thực phẩm chế biến 550 tấn; thuỷ hải sản đông lạnh 450 tấn; rau củ 200 tấn với tổng số tiền mua tạm trữ khoảng 376 tỷ đồng sẵn sàng phục vụ Tết.
Về các mặt hàng đồ uống, Tổng Cty Bia-rượu-nước giải khát Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường trên 50 triệu lít thương hiệu “Bia Hà Nội”; khoảng 10 triệu chai rượu các loại (trên 50 loại).
Công ty CP vang Thăng Long cũng cung cấp khoảng 3,5 triệu chai rượu các loại. Cùng với đó là các doanh nghiệp thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, các hộ kinh doanh trong chợ, các doanh nghiệp sản xuất và các làng nghề cũng được thành phố yêu cầu chủ động khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống đảm bảo dự trữ hàng hóa có chất lượng, đa dạng phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.
Dịp Tết này, tại Hà Nội, các doanh nghiệp bình ổn giá sẽ tổ chức bán hàng thường xuyên tại 710 điểm cố định đã đăng ký với thành phố và đưa hàng tới 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn tập thể với giá ổn định, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, dự kiến nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán của Hà Nội sẽ tăng khoảng 18 đến 20% so với các tháng trong năm.
Trong đó, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, rau quả có thể tăng hơn 20%. “Nguồn cung hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm trong dịp Tết năm nay sẽ không thiếu và giá thực phẩm cũng ít biến động nhiều.
Hiện nay, các doanh nghiệp đều đã có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ Tết. Lo ngại của doanh nghiệp chính là sức mua của người tiêu dùng năm nay có thể tăng chậm”-ông Đồng cho biết.
Sức mua yếu
Theo đánh giá của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay nhiều nhà cung cấp hàng hoá đang đưa ra đề nghị tăng giá đối với hàng hóa đưa vào siêu thị với mức tăng khoảng 5%. Việc tăng giá này chủ yếu do giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas… thời gian qua có nhiều biến động gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy giá thành sản phẩm tăng.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang bị chững lại do đời sống khó khăn, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng bị thắt chặt. “Thường các tháng cuối năm, sức mua tăng cao nhưng thời điểm này các siêu thị nhất là các chợ trên địa bàn Hà Nội không tránh khỏi tình trạng sụt giảm lượng khách.
Trước tình hình này, hiện nhiều siêu thị trên địa bàn đang ráo riết thực hiện các biện pháp kích cầu bằng cách bình ổn giá, áp dụng các chương trình khuyến mại hoặc tổ chức các hình thức bán hàng linh hoạt để thu hút người tiêu dùng vào dịp cuối năm.”-đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết.
Theo Hiệp hội siêu thị Hà Nội, hiện các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như: Metro, Big C, Fivimart... đã dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng 2300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nên người tiêu dùng sẽ kén chọn hơn trong việc mua sắm hàng hóa, cũng như tiết giảm tối đa chi tiêu.
“Hiện một số doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng hoá khá dè dặt trong việc tăng lượng hàng sản xuất phục vụ tết, vì lo sức mua yếu. Một số doanh nghiệp dự trữ dưới dạng nguyên liệu và theo dõi tình hình thị trường, nếu sức mua tốt mới tăng sản phẩm cung cấp”-lãnh đạo một siêu thị nói.